Chi phí quá cao, doanh nghiệp đuối sức với "3 tại chỗ"

VTV Digital-Thứ hai, ngày 02/08/2021 08:57 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, chi phí thực hiện mô hình “3 tại chỗ” đang là áp lực với nhiều doanh nghiệp.

Mô hình "3 tại chỗ" (ăn, nghỉ, sản xuất tại chỗ) đã chứng minh được hiệu quả suốt thời gian qua, khi giúp các địa phương và doanh nghiệp duy trì chuỗi sản xuất. 

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, chi phí thực hiện mô hình này đang là áp lực với nhiều doanh nghiệp, khi phải lo cơ sở vật chất sinh hoạt, ăn uống và xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho người lao động.

Trang The SaigonTimes trích ý kiến của bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, 70% doanh nghiệp thuộc hiệp hội đang phải bán bù lỗ và huề vốn. Nếu "3 tại chỗ" kéo dài quá một tháng, đối với doanh nghiệp từ 300 - 1.000 công nhân sẽ là bài toán lớn.

Chi phí quá cao, doanh nghiệp đuối sức với 3 tại chỗ - Ảnh 1.

Người lao động một công ty thực hiện phương án “3 tại chỗ”. (Ảnh: NLĐ)

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Phó Bí thư Thường trực TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, các doanh nghiệp có thể không nhất thiết gò bó theo mô hình "3 tại chỗ" và "một cung đường 2 địa điểm" mà có thể có phương án sản xuất an toàn, đề xuất với thành phố để thẩm định, vận hành.

Ngoài ra, thành phố đang đề nghị ngành xây dựng nghiên cứu mô hình nhà ở cho công nhân như Singapore đang áp dụng để có những khu lưu trú dã chiến, đáp ứng điều kiện sinh hoạt kéo dài.

Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng?

Ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, với gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trang VnExpress dẫn ý kiến của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), trong các điều kiện để hưởng hỗ trợ thì yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn là quy định chưa hợp lý, khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được gói hỗ trợ.

Trên thực tế, theo pháp luật về thuế, doanh nghiệp có thể quyết toán thuế chu kỳ 3 - 5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm. 

Chi phí quá cao, doanh nghiệp đuối sức với 3 tại chỗ - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Bối cảnh đại dịch khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn về tài chính, nên việc yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020, cho dù doanh nghiệp chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết là một bất cập lớn.

Ban IV kiến nghị Chính phủ xem xét loại bỏ quy định này, giúp doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn.

Ngân hàng lo mất quyền thu giữ tài sản đảm bảo

Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu đã giúp các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, tiết kiệm chi phí. Nghị quyết khẳng định quyền thu giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ, nên ý thức trả nợ của khách hàng tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, điều các ngân hàng thương mại lo lắng là Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022. 

Tờ Đầu tư phân tích, nếu Nghị quyết 42 hết hiệu lực, ngân hàng muốn thu giữ tài sản đảm bảo, thì chỉ có cách kiện ra tòa. Quá trình xử lý nợ xấu sẽ kéo dài, dẫn đến giá trị tài sản bảo đảm giảm sút, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính...

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức lấy ý kiến về đề xuất xây dựng một luật riêng về xử lý nợ xấu,trên cơ sở luật hóa Nghị quyết 42, nhằm tiếp tục duy trì giải pháp bảo vệ quyền chủ nợ.

Doanh nghiệp gặp khó với '3 tại chỗ' Doanh nghiệp gặp khó với "3 tại chỗ"

VTV.vn - Hiện nhiều nhà máy ở các tỉnh, thành phía Nam áp dụng phương án "3 tại chỗ" đang phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh bùng phát từ bên trong.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước