Công ty cổ phần Capel quảng cáo có lợi nhuận từ 200 - 500% qua việc kinh doanh chuyển giao công nghệ ngành may, nông nghiệp cao, du lịch và bất động sản, tuy nhiên lại không công bố bất kỳ dự án kinh doanh nào.
Trong khi đó, báo cáo tài chính các năm gần đây nhất doanh nghiệp này lại chưa hề ghi nhận doanh thu nhưng vẫn trả lãi hàng ngày cho các nhà đầu tư. Các chuyên gia cảnh báo việc đầu tư vào đây tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí thể hiện rõ ngay từ trong cả bản "Hợp đồng hợp tác".
Theo hợp đồng "Hợp tác kinh doanh" được soạn sẵn của Công ty cổ phần Capel với các nhà đầu tư có ghi: Bên B là khách hàng hợp tác với bên A là công ty dưới dạng hợp đồng mua cổ phiếu của bên A. Vậy là từ quảng cáo ban đầu, nhà đầu tư chỉ cần góp tiền để nhận lợi nhuận hàng ngày thì trên hợp đồng lại thành mua cổ phiếu.
"Ở trong hợp đồng không thể nào nói phân chia lợi nhuận 1 tháng là 12,5% vì nó vượt qua mức của Nhà nước rất nhiều nên người ta phải chuyển sang cổ phiếu để hợp thức hóa phân chia lợi nhuận của nhà đầu tư", môi giới của Công ty cổ phần Capel cho hay.
Hợp đồng "Hợp tác kinh doanh" được soạn sẵn của Công ty cổ phần Capel
Tại thời điểm hiện tại, Công ty Capel tự quy ước 1 cổ phiếu nội bộ của công ty viết tắt là CPI = 0,01 USD. Theo quảng cáo, năm 2025, cổ phiếu này sẽ có giá 50 USD, tương đương với khoảng 1 triệu 150 nghìn đồng, tức tăng gấp 5.000 lần.
Nhân viên của Công ty cổ phần Capel nói: "Chúng ta đang có một cổ phiếu hiện đưa ra thị trường là 0,01 USD. Đến năm 2025 khi Capel lên Tập đoàn, IPO thành công trên sàn thì 1 cổ phiếu của Capel sẽ có giá là 50 USD".
Theo luật sư, việc nhà đầu tư ký hợp đồng kinh doanh dưới dạng mua cổ phiếu là đã trở thành cổ đông của công ty. Nhưng với công ty Capel, các cổ đông lại không hề biết doanh nghiệp làm gì, doanh thu ra sao, cổ phiếu công ty Capel lại chưa được niêm yết trên sàn. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
"Cơ sở pháp lý nào để các nhà đầu tư có thể đầu tư mà họ không hề biết công ty kinh doanh như thế nào? Rõ ràng nhà đầu tư góp vốn thiếu kiến thức, nhẹ dạ tin và ký vào hợp đồng như thế. Họ tưởng rằng cho Công ty Capel vay tiền nhưng thật ra là mua cổ phiếu, nhưng không biết rằng cổ phiếu có thể về bằng 0", Luật sư Bùi Quang Hưng - Trưởng Văn phòng luật sư BQH và Cộng sự cho hay.
Công ty Capel cũng quảng cáo đã thành lập "Sàn giao dịch cổ phiếu bất động sản quốc tế" tại Anh Quốc có địa chỉ là : https://cpiexchange.info/, để sau này nhà đầu tư có thể mua bán cổ phiếu trên sàn này. Thế nhưng trong hợp đồng cũng không hề nhắc đến việc bao giờ nhà đầu tư mới được nhận hay mua bán cổ phiếu.
Môi giới của Công ty cổ phần Capel nói: "Công ty sẽ có chiến lược sẽ chuyển cổ phiếu cho các nhà đầu tư nhưng chưa có thời gian ấn định vì đang cần data khách hàng, để họ vào nhiều sử dụng cổ phiếu nhằm tăng trưởng giá trị cổ phiếu lên".
Theo luật sư, đây chỉ là chiêu trò của Công ty cổ phần Capel. Cái gọi là sàn giao dịch bất động sản quốc tế ở trên khi truy cập vào thực tế chỉ là một sàn forex chưa được cấp phép.
Luật sư Bùi Quang Hưng nhận định: "Tiền mình đóng là tiền thật nhưng sở hữu con số ảo trên trang web. Người giữ web đó mà sập, xóa đi thì tất cả xác nhận sở hữu quyền góp vốn của nhà đầu tư sẽ biến mất".
Cổ phiếu thì không biết khi nào được giao dịch, sàn giao dịch bất động sản quốc tế lại thực chất chỉ là một sàn forex trái phép. Trong khi theo khẳng định của đại diện công ty Capel thì "Hợp đồng hợp tác kinh doanh" là lời ăn, lỗ chịu.
"Chúng ta ký hợp đồng, nếu như hợp đồng vay tiền nó khác, vay thì tôi vay bạn phải trả cho bạn. Ở đây không có hợp đồng vay tiền, chúng tôi không vay ai cả, mà chúng tôi đưa ra giải pháp kinh doanh. Vậy là sự hợp tác, mà trong hợp tác kinh doanh luật quy định thành công cùng nhau chia, thất bại cùng nhau chịu", đại diện Công ty cổ phần Capel nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!