Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: VOV)
Cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh và Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sau khi lấy ý kiến các thành viên, Chính phủ sẽ thảo luận lại hai dự luật này trong phiên họp thường kỳ tháng 8. Dù còn có ý kiến khác nhau nhưng Thủ tướng yêu cầu các dự luật này phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh và cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự hỗ trợ đó không vi phạm các quy định quốc tế mà Việt Nam đã ký.
Cho ý kiến vào dự án Luật quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải xác định rõ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước cần nắm những quy hoạch gì, còn lại để cho thị trường điều tiết. Bởi hiện tại, cả nước có tới 20.000 quy hoạch các loại và nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng quy hoạch. Vì thế, thực tế đã có hiện tượng "chạy" để bổ sung quy hoạch.
Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ khi xác định rõ được loại quy hoạch nào mà Nhà nước cần nắm thì mới tiến tới loại bỏ được cơ chế xin cho; các địa phương, doanh nghiệp cũng không còn phải khổ vì quy hoạch. Trên tinh thần đó, sẽ không có quy hoạch ngành sản phẩm mà Thủ tướng sẽ quyết định một số sản phẩm quan trọng của nền kinh tế. Các thành viên Chính phủ nhất trí sau nhiều năm thảo luận, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự luật này trong kỳ họp tới.
Cũng trong sáng nay, Chính phủ đã nhất trí sẽ sửa ngay một số quy định trong Nghị định 59 vừa ban hành năm 2015 về quản lý dự án đầu tư, nhằm tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ và cơ quan ngang Bộ, trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Chính phủ nhất trí với quy định cơ bản sẽ không còn cấp phòng trong vụ, trừ một số trường hợp đặc biệt, để giảm đầu mối trung gian. Đồng thời, Chính phủ nhất trí bỏ Văn phòng đại diện ở các tỉnh phía Nam của các Bộ, trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Bên cạnh đó, mỗi Bộ chỉ có 5 Thứ trưởng, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.