Khảo sát cho thấy, người dân Đức không còn thiết tha với việc gửi tiền ở ngân hàng. Phản ứng này cũng dễ hiểu, vì họ cho rằng hiện giờ gửi tiền ở ngân hàng đồng nghĩa với việc khoanh tay nhìn giá trị tài sản của mình hao hụt dần.
Anh Peter Malzmuller, Người dân Đức nói: “Tôi sẽ không gửi tiền tiết kiệm nữa. Một xu cũng không. Tôi sẽ rút hết tiền gửi ngân hàng cất ở nhà”.
‘ Bên ngoài trụ sở của ECB tại thành phố Frankfurt am Main, miền Trung nước Đức. Ảnh: AFP
Trong khi đó, ông Georg Fahrenschon, Chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng tiết kiệm Sparkassen, Đức cho rằng: “Chính sách này sẽ động đến túi tiền của người dân ở khắp châu Âu, không ai muốn điều đó vào lúc này”.
Đấy là chuyện đang diễn ra ở Đức, quốc gia được coi là giàu có nhất châu Âu, còn người dân ở những nước đang nặng nợ như Tây Ban Nha, Hy Lạp thì họ lại không hề lo lắng tài sản của họ có bị giảm không, vì họ cũng không còn tài sản mà gửi ngân hàng. Tuy nhiên, họ hy vọng mức lãi suất thấp hơn và đồng euro rẻ hơn sẽ khiến nền kinh tế khởi sắc trở lại, tạo ra công ăn việc làm cho họ.
Ông Roberto Nicastro, Tổng giám đốc UniCredit Group, Italy nhận xét: “Chính sách này có thể không tốt cho một số nước giàu ở châu Âu, nhưng đây lại chính là liều thuốc cứu sống cả nền kinh tế của châu lục vào lúc này”.
Những phản ứng trái chiều cả từ phía người dân và chuyên gia là minh chứng rõ nhất cho việc châu Âu sẽ còn mất nhiều thời gian nữa mới đưa nền kinh tế về lại quỹ đạo ổn định. Còn bây giờ, cả châu Âu đều đang chờ đợi những chính sách tiếp theo của ông Mario Draghi để vực dậy nền kinh tế toàn bộ khu vực đồng tiền euro.