Tính đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi những rào cản về cách ly đang dần được dỡ bỏ. Với những tác động tiêu cực kéo dài của COVID-19, có thể nói chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Những gói hỗ trợ mới từ Chính phủ là rất cần thiết để doanh nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hiện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan đang khẩn trương thảo luận để có thể sớm tung ra gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Gói hỗ trợ này là rất cần thiết. Tuy nhiên, quy mô, mức độ, đối tượng thụ hưởng và cách thức thực hiện vẫn đang được bàn tính.
Những gói hỗ trợ mới từ Chính phủ là rất cần thiết để doanh nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí.
Tại cuộc họp báo về định hướng điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thống nhất và ủng hộ chủ trương triển khai nhanh các gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay: "Gói hỗ trợ đó rất cần thiết và rất ý nghĩa. Nhưng vấn đề là chúng ta có được nguồn lực là bao nhiêu? Ngân sách dành cho khoản này là bao nhiêu? Nếu có nhiều thì sẽ có nhiều đối tượng được hưởng. Còn nguồn lực ngân sách ở mức nào đó phải nghĩ đến đối tượng phù hợp".
Như vậy, dù chưa cụ thể nhưng chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó đã được thống nhất. Vấn đề là triển khai như thế nào để đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng được thụ hưởng.
Tuy nhiên, dù là cần thiết và cấp thiết nhưng bài học của gói hỗ trợ kích thích kinh tế có quy mô lên tới 1 tỷ USD cách đây 12 năm đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp phải không ít khó khăn đó là nợ xấu, thanh khoản và phải cả chục năm sau những khó khăn này mới được xử lý.
Thiết lập các gói hỗ trợ tài khóa mới
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đến nay tổng số tiền miễn giảm, giãn hoãn thuế và tiền thuê đất đã lên tới 250.000 tỷ đồng. Nhờ vậy nhiều doanh nghiệp đã bớt đi phần nào khó khăn.
Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất cần tiếp tục có thêm các gói hỗ trợ mới về tài khóa để có thêm dòng tiền, từng bước phục hồi sản xuất và phát triển trong thời gian tới.
Cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất cần tiếp tục có thêm các gói hỗ trợ mới về tài khóa. Ảnh minh họa: Nguồn - Báo Đầu tư.
Tổng Công ty may Bắc Giang có 2.500 công nhân và được gia hạn thời gian nộp tiền thuế 6 tháng của năm nay khoảng 1 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho rằng, cần giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các doanh nghiệp, không chỉ cho những doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Bởi các doanh nghiệp lớn tuy chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, nhưng chưa được hỗ trợ nhiều, sát thực.
"Cần tiếp tục gia hạn đóng bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các doanh nghiệp. Mong được hỗ trợ hơn nữa về chi phí doanh nghiệp", ông Nguyễn Hữu Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty may Bắc Giang bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các gói hỗ trợ về thuế và phí đã giúp nhiều doanh nghiệp có thêm dòng tiền để duy trì sản xuất nhưng sự hỗ trợ này chưa đủ nên cần gia hạn thời gian miễn giảm thuế.
Theo Bộ Tài chính, nhờ sự điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, giai đoạn 2016 - 2020, nợ công đã giảm từ 63,7% xuống 55,2%. Nợ Chính phủ từ 52,7% xuống 49,1 %, nợ nước ngoài từ 26,7% còn 20,5%. Đây là nền tảng tốt để bứt phá và phát triển tốt giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với đó, thu ngân sách 9 tháng qua vẫn đạt cao nên ngân sách Nhà nước có đủ dư địa để đưa ra các gói kích cầu mới .
Doanh nghiệp cần động lực dài hơi
Doanh nghiệp cần những động lực dài hơi hơn đó là những quyết sách một cách xuyên suốt và dài hạn. Ảnh minh họa: Nguồn - Báo Đầu tư.
Hàng loạt các gói hỗ trợ, từ hỗ trợ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã được Chính phủ đưa ra. Bộ Tài chính đã đề xuất duy trì miễn giảm cho khoảng 30 loại phí, lệ phí.... Duy trì giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ các ngành hàng nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ…
Tuy nhiên, nguồn lực là hữu hạn và các gói hỗ trợ cũng chỉ đáp ứng những yêu cầu trong thời gian ngắn hạn. Doanh nghiệp cần những động lực dài hơi hơn đó là những quyết sách một cách xuyên suốt và dài hạn.
Ông Hoàng Văn Nam - Giám đốc kinh doanh quốc tế, Công ty TNHH Cách âm cách nhiệt Phương Nam nói: "Trong bối cảnh này doanh nghiệp nào cũng khát vốn, chúng tôi mong muốn được tiếp cận gói vay ưu đãi với thủ tục đơn giản".
"Kích cầu cho doanh nghiệp bằng cách thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội đưa về chỉ số bằng không hoặc thấp nhất có thể", ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Sơn bày tỏ.
"Chúng ta phải tính đến tính tiếp cận chính sách đối với doanh nghiệp bởi lẽ có những chính sách rất hay nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được - vậy vì sao?", ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!