Làm thế nào để quản lý chặt chẽ việc giao dịch tài sản ảo và tiền ảo là vấn đề đã được Chính phủ đặt ra trong những năm qua. Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1255 phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Tháng 3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có công văn gửi các Bộ, ngành nhắc lại yêu cầu này.
Trong khi đó, thực tế cho thấy giao dịch tiền ảo tại Việt Nam đang diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, do chưa có các quy định rõ ràng về cơ chế quản lý, giám sát hoạt động giao dịch và phát hành nên tiền ảo đã bị lợi dụng trở thành một kênh rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo và các hoạt động phi pháp khác.
Xây dựng chế tài quản lý tài sản ảo
Tham gia nhiều phiên tòa nhưng luật sư Hùng cho biết, chưa thấy vụ tranh chấp nào về tiền ảo được đưa ra xét xử. Nguyên nhân được xác định là do trong tất cả các bộ luật hiện hành không có điều khoản nào quy định về lĩnh vực này nên không có cơ sở pháp lý để giải quyết các vụ việc.
"Cấm hay không cấm, cho phép hay không cho phép thì Nhà nước cũng nên xây dựng bộ khung pháp lý cho những giao dịch này một cách an toàn, hợp pháp, đúng quy định của pháp luật, tránh những giao dịch ngầm thậm chí là lừa đảo gây rủi ro cho nhà đầu tư", ông Nguyễn Tiến Hùng, Văn phòng Luật sư Nguyễn Khánh Toàn và cộng sự, nhận định.
Nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, giao dịch tiền ảo đang mang tính toàn cầu và ở Việt Nam đang diễn ra dưới nhiều tên gọi khác nhau. Vì vậy, nếu cấm thì không chỉ đi ngược với xu thế của thời đại, mà còn tạo cơ hội để lừa đảo những người thiếu hiểu biết.
Một điểm giao dịch Bitcoin tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Dân trí)
"Toàn cầu người ta đã làm, vì vậy nếu chúng ta không làm sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi này và rất bị động trong vấn đề quản lý. Nếu chúng ta coi đây là nội dung cần quản lý thì phải sớm xây dựng pháp luật, thậm chí chúng ta còn thu được thuế", ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh.
"Cần xác định tiền ảo là một loại tài sản đặc biệt và nó phải được lưu thông có điều kiện theo quy định của pháp luật. Như vậy mới giúp các nhà đầu tư có định hướng nhất định trong bất kỳ giao dịch nào. Khi đã minh bạch như vậy sẽ giúp cho thị trường được điều chỉnh theo một trình tự có lợi hơn", Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho hay.
Trong khi chờ đợi một khung pháp lý quản lý về tài sản ảo, tiền ảo, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền và đưa ra những khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.
Gần đây, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Bộ này cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Tuy nhiên, để xây dựng được khung pháp lý hoàn chỉnh đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ và khẩn trương của 12 bộ, ngành có liên quan như chỉ đạo trong Quyết định 1255 của Thủ tướng Chính phủ.
Tài sản số chờ sự chính danh
Lâu nay, những sản phẩm hình thành từ môi trường mạng, dù có giá trị hay không vẫn thường được gọi chung là "tài sản ảo". Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ, ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm trên không gian mạng có giá trị và có thể giao dịch trao đổi, mua bán, sang nhượng... Bởi vậy, yêu cầu được đặt ra vào lúc này là quan điểm và cách ứng xử với những "tài sản số" đang được coi là "tài sản ảo".
Những tên miền trên Internet, muốn sở hữu nó nhiều người, nhiều tổ chức đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua lại... Những ứng dụng chụp và sửa ảnh dùng được trên điện thoại thông minh luôn được chị em sẵn sàng bỏ tiền ra để mua...
Lâu nay, những sản phẩm hình thành từ môi trường mạng, dù có giá trị hay không vẫn thường được gọi chung là "tài sản ảo".
Những tên miền hay những ứng dụng chụp ảnh chính là sản phẩm số, hình thành trên môi trường mạng, có giá trị và được mua bán. Đây được coi là tài sản số. Ngày càng nhiều sản phẩm số, tài sản số xuất hiện và được trao đổi mua bán.
Theo logic, kinh tế số, chính phủ số, xã hội số... sẽ phát sinh và hình thành nên tài sản số. Để mua bán, giao dịch, trao đổi được những tài sản này sẽ cần đến đồng tiền kỹ thuật số. Theo giới công nghệ, do chưa nhận thức đầy đủ nên các tài sản số thường bị coi nhẹ, xem thường và bị gọi chung là tài sản ảo.
Cần có cách nhìn, cách hiểu và cách ứng xử, thái độ tôn trọng với những tài sản số, bởi trong thời đại công nghệ 4.0, đây là nguồn tài nguyên dồi dào nếu biết khai thác và quản lý.
Kinh tế số ngày càng phát triển nên hình thành một nền kinh tế số đòi hỏi sự thông minh và nhạy bén. Tài sản số, tiền kỹ thuật số vì thế cũng nên được xem trọng hơn là sự thờ ơ, thậm chí coi nhẹ như hiện nay.
Xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia
Trong khi các cơ quan chức năng ở Việt Nam chưa làm rõ khái niệm tiền số hay tiền ảo, tài sản ảo hay tài sản số... nên chủ trương chung là không thừa nhận các giao dịch liên quan, tại một số ngân hàng Trung ương trên thế giới, tiền kỹ thuật số quốc gia lại đang trở thành xu hướng phát triển.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS tiến hành với 65 ngân hàng trung ương, 86% trong đó cho biết đang có một số hoạt động về tiền tệ kỹ thuật số quốc gia., có thể là nghiên cứu, chứng minh tính khả thi hoặc phát triển thí điểm. Gần 15% còn lại thậm chí đang chuyển sang nghiên cứu thực tế cho các đồng tiền thử nghiệm.
Tại Trung Quốc, Tết Nguyên đán năm nay, lần đầu tiên nhiều thành phố nước này quyết định dùng tiền điện tử mới phát hành của chính phủ để lì xì cho người dân, qua đó thúc đẩy chi tiêu.
Cơn sốt tiền điện tử trên thế giới được nhận định tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hệ thống tài chính các quốc gia. (Ảnh minh họa: AP)
Trung Quốc cũng có kế hoạch phổ cập loại tiền điện tử mới trong dịp Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội mùa đông năm 2022, nhằm xây dựng hình ảnh cho thành phố.
Tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương nước này đã bắt đầu giai đoạn một của quá trình thử nghiệm 3 giai đoạn, để kiểm tra những chức năng cơ bản của đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành. Cụ thể, Nhật Bản sẽ thử nghiệm việc phát hành, phân phối và mua lại đồng tiền kỹ thuật số cùng với các chức năng khác.
Tại châu Âu, Chính phủ Thụy Điển cho biết đang nghiên cứu phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia E-Krona. Các cuộc thử nghiệm quy mô lớn dự kiến kết thúc vào cuối năm sau. Lúc này, nhiều cửa hàng, nhà hàng còn ghi rõ bảng hiệu chỉ chấp nhận thanh toán thẻ hoặc tiền điện tử.
Tiền kỹ thuật số quốc gia là một loại tiền pháp định dưới dạng kỹ thuật số, được phát hành, kiểm soát và đảm bảo bởi ngân hàng trung ương. Đây được coi là công cụ hỗ trợ số hóa tiền mặt, tránh nguy cơ rửa tiền, tiền giả…
Cơn sốt tiền điện tử tư nhân (tiền ảo) trên thế giới được nhận định tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hệ thống tài chính các quốc gia. Do không thể cấm hoàn toàn, nhiều nước quyết định sử dụng tiền kỹ thuật số pháp định để giảm thiểu rủi ro. Theo giới phân tích, một khi các quốc gia tăng cường phát hành tiền số pháp định, tiền ảo sẽ ngày càng mất đi ý nghĩa.
Bên cạnh lợi ích, vẫn có rủi ro đi kèm, có thể kể đến nguy cơ mất an toàn do dữ liệu bị virus, hacker và tội phạm mạng. Ngoài ra, kiểm soát lượng cung tiền, quản lý, giám sát và xử lý sự cố liên quan đến tiền kỹ thuật số, vẫn được coi là thách thức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!