Mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh, mỗi người thường có rất nhiều các nhu cầu chi tiêu khác nhau. Trong khi năng lực tài chính của nhiều cá nhân thường không đủ để trang trải ngay tập tức cho các nhu cầu. Tiêu dùng trước, chi trả sau thông qua hình thức vay tiêu dùng đang là lựa chọn của đông đảo người dân.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 10 năm qua, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế. Mức tăng trưởng bình quân của tín dụng tiêu dùng giai đoạn 2010 - 2020 là 33,7%, trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân toàn nền kinh tế chỉ đạt 17,3%.
Dư nợ cho vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống, tính đến cuối năm 2020, đạt 1,85 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.
Tính riêng nhóm các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, dư nợ đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, với hơn 30 triệu lượt khách hàng được phục vụ. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, 60% người dân có thu nhập thấp và trung bình, nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng
Có 10 triệu trong tay, chị Trang (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) đang tính vay thêm hơn 20 triệu nữa để mua chiếc xe máy đi làm. Mỗi tháng trả cả gốc và lãi khoảng 2 triệu, sau 1 năm chị sẽ trả nợ hết.
Với thủ tục nhanh gọn, không yêu cầu tài sản thế chấp, cho vay tiêu dùng đang được nhiều người lựa chọn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Tích lũy để mua được xe giá 30 triệu rất lâu. Mua trả góp vừa có phương tiện đi lại, vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nên tôi thấy hợp lý", chị Lê Thị Huyền Trang chia sẻ.
Với thủ tục nhanh gọn, không yêu cầu tài sản thế chấp, cho vay tiêu dùng đang được nhiều người lựa chọn. Những cửa hàng điện máy còn kết hợp với công ty tài chính, cho vay trả góp 0 đồng, nên có khoảng 50 - 60 người vay mỗi tháng.
"Trả góp với trả thẳng chỉ chênh nhau 500.000 đồng. Tôi chỉ cần có 3 triệu là mua được cái máy giặt 10 triệu", chị Nguyễn Thị Huyền Trang (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho hay.
Tiềm năng lớn nên vay tiêu dùng đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tập đoàn SMBC của Nhật Bản đã mua hơn 49% vốn điều lệ của công ty tài chính FE Credit từ ngân hàng VPBank. Công ty này đang chiếm khoảng 50% thị phần cho vay tiêu dùng.
"Thương vụ đầu tư lần này thực sự có ý nghĩa rất lớn vì là thương vụ đầu tư có quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính ngân hàng của Việt Nam và chúng tôi đã hoàn thành được. Nó không chỉ giới hạn ở kỳ vọng tăng trưởng của FE Credit, mà còn là minh chứng cho niềm tin của Tập đoàn SMBC vào sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam", Tổng Giám đốc Tập đoàn SMBC Jun Ohta nhận định.
Dịch vụ cho vay tiêu dùng đang chủ yếu là vay mua đồ gia dụng, điện tử, hay vay tiền mặt... Một số công ty tài chính đã bắt đầu cung cấp thêm các sản phẩm cho vay đi học hay chăm sóc sức khỏe, thẻ tín dụng.
Theo FiinGroup, tổ chức chuyên thu thập và phân tích số liệu, con số thiệt hại ở mảng tài chính tiêu dùng trên thế giới bởi dịch COVID-19 vô cùng lớn khi doanh thu ghi nhận giảm 25%.
Tại Việt Nam, các công ty tài chính tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thu nhập của nhiều người bị giảm sút buộc phải hạn chế các khoản chi tiêu cho tiêu dùng. Tuy nhiên song song với đó, theo ghi nhận tại một số đơn vị cho vay, chính dịch bệnh cũng thay đổi thói quen của người dân.
Khi thu nhập sụt giảm, không đủ tiền để chi trả một lần, nhiều người có xu hướng chuyển sang mua sắm trả góp để chia đều gánh nặng tài chính ra nhiều tháng. Lúc này cả kênh cho vay chính thức và phi chính thức trở thành lựa chọn của nhiều người.
Tuy nhiên, "tín dụng đen" đang là một áp lực cạnh rất lớn với chính các kênh cho vay tiêu dùng chính thống. Vào giai đoạn đạt tốc độ tăng trưởng kép, tín dụng tiêu dùng đã được nhìn nhận như một công cụ góp phần "đẩy lùi vấn nạn "tín dụng đen".
Theo số liệu từ một hội thảo về vay tiêu dùng, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc "tín dụng đen". Thực tế, các app cho vay tiêu dùng đang nở rộ với nhiều biến tướng.
Tràn lan tín dụng đen núp bóng app cho vay online
Tải app về điện thoại và đồng ý vay tiền là xong, lãi suất được giới thiệu 16%, nhưng chị Thúy không ngờ, khoản trả lãi lại không như quảng cáo. Người vay sẽ bị cắt trực tiếp gần một nửa giá trị khoản vay, nếu không trả đúng thời hạn thì bị phạt lãi 320.000 đồng/ngày, tương đương mức lãi suất 240%/tháng, 2.880%/năm.
"Em vay 4 triệu trong vòng 7 ngày, nhưng số tiền nhận về là 2,2 triệu còn tiền lãi là 1,8 triệu cắt lãi tại chỗ", chị Nguyễn Thị Thúy, người vay tiền online, cho biết.
Trường hợp người vay không trả được nợ, các đối tượng đòi nợ sẽ đăng thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội, thậm chí gán ghép hình ảnh người vay vào trong các trang web khiêu dâm. Chị Nga (nạn nhân của tín dụng đen online) đã có ý định tìm đến cái chết để giải thoát.
"Khi em bị đăng những hình ảnh đó lên, em không muốn về nhà. Bạn trai em không tin tưởng em. Em và bạn cũng đã chia tay vì vấn đề đó", chị Cao Thị Thanh Nga, nạn nhân của tín dụng đen online, chia sẻ.
Theo Bộ Công an, những ứng dụng cho vay này là hiện tượng biến tướng của hình thức cho vay ngang hàng (P2P Landing), không qua thế chấp, với lãi suất phổ biến từ 700% đến 1.000%/năm, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
"Các hoạt động cho vay cầm cố tài sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng cho vay tín chấp không cầm cố tài sản thì chưa được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chúng tôi đang có kiến nghị đến các cơ quan có liên quan để hoàn thiện khung pháp lý và có giải pháp để báo cáo lên Chính phủ", Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng phòng Trọng án Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, nhận định.
Bộ Công an cũng đã xác định được khoảng 70 công ty chưa được cấp phép cho vay ngang hàng để hoạt động tín dụng đen, đứng phía sau thường là một ông trùm ở nước ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn, có những công ty đã thu hút hơn 1,5 triệu khách hàng với số tiền giao dịch lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đẩy mạnh các dịch vụ vay tiêu dùng chính thức
So với việc đi vay nặng lãi từ những nguồn cung không hợp pháp, vay tiêu dùng tại các công ty tài chính sẽ là sự lựa chọn an toàn hơn cho người tiêu dùng.
Để thu hút người vay, các công ty tài chính bắt buộc phải triển khai nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng đa dạng với lãi suất phù hợp, với thủ tục đơn giản, hình thức linh hoạt, giúp khách hàng tiếp cận khoản vay dễ dàng và an toàn hơn và góp phần đẩy lùi "tín dụng đen", cùng với đó là nhiều giải pháp từ các cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy tín dụng tiêu dùng qua các kênh chính thống.
Để tránh rơi vào vòng xoáy nợ tín dụng đen, các chuyên gia nhấn mạnh quan trọng nhất là bản thân người vay vốn phải thực sự cẩn trọng trước những lời mời chào cho vay.
"Cần kiểm tra xem cái app đó của tổ chức nào, có hợp pháp và đảm bảo quy định hay không. Còn các công ty tài chính tiêu dùng cần đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để người dân hiểu được chức năng nhiệm vụ của mình, đồng thời cần xem xét nâng cao trình độ cán bộ, đẩy nhanh tốc độ tiếp cận để thẩm định cho người dân có thể vay vốn một cách thuận tiện nhất", Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Nhằm giúp người dân dễ tiếp cận các nguồn vay chính thức, FE Credit đã đẩy mạnh số hóa nhiều quy trình vay vốn, áp dụng công nghệ dữ liệu lớn vào phân tích hành vi, thói quen tiêu dùng của người dân để đảm bảo an toàn khoản vay.
Khi thu nhập sụt giảm, không đủ tiền để chi trả một lần, nhiều người có xu hướng chuyển sang mua sắm trả góp để chia đều gánh nặng tài chính ra nhiều tháng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Toàn bộ quy trình bán hàng hoàn toàn được số hóa, từ lên hồ sơ, ký hợp đồng điện tử, thẩm định đến duyệt vay..., đảm bảo thông tin được xử lý một cách bảo mật. Chúng tôi cũng tập trung triển khai nhiều chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi với lãi suất, thủ tục đơn giản, giúp khách hàng vay dễ dàng và an toàn hơn, góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen", ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc FE Credit, cho hay.
"Cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin doanh nghiệp, dữ liệu dân cư để các công ty tài chính, doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số nhằm xác thực khách hàng một cách thuận lợi", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ, nhận định.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh cơ quan quản lý cần hoàn thiện hành lang pháp lý để dịch vụ vay tiêu dùng chính thức có thể mở rộng tới đông đảo người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Trong điều kiện nhu cầu vay tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, cần sự nỗ lực của những người trong cuộc từ các công ty tài chính, các cơ quan quản lý nhằm thu hút người dân, tránh những vướng mắc để vô tình tạo nên một thị trường màu mỡ cho tín dụng "đen"…
Thị trường tài chính tiêu dùng phát triển không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, qua đó giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!