Sau giai đoạn đóng cửa, hoạt động cầm chừng do dịch bệnh, các doanh nghiệp đang bước từng bước mở cửa trở lại. Thiếu lao động, chi phí sản xuất tăng cao, nhiều doanh nghiệp vẫn đang rơi vào thế khó.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm nay, hơn 90.200 doanh nghiệp đóng cửa, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất
Đây là tháng thứ 6 chuỗi nhà hàng Hàng Dương Quán đóng cửa. Dù chuyển sang hình thức bán thức ăn qua online, nhưng doanh thu khiêm tốn không thể đủ để bù đắp các khoản chi phí mặt bằng, nhân viên, bảo dưỡng… Doanh nghiệp muốn vay mới 3 tỷ đồng thông qua hình thức tín chấp, nhưng không thể chứng minh được doanh thu hiện tại.
Các doanh nghiệp cho biết, nếu được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được đáng kể chi phí, dồn lực tái đầu tư sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Bây giờ bản thân tôi cũng chưa biết khi nào nhà hàng được mở cửa trở lại để có được dòng tiền để trả lời ngân hàng. Vay tiền thì hiển nhiên mình phải có phương án để người cho vay biết được khi nào kinh doanh, khi nào dòng tiền lưu thông để trả lãi, trả vốn và đáo hạn", ông Lý Nhất Hiếu, Giám đốc chuỗi nhà hàng Hàng Dương Quán, cho biết.
Mong muốn hàng đầu của doanh nghiệp là có thể tiếp cận vay vốn ưu đãi để mua nguyên liệu, gối đầu sản xuất.
"Đối với các khoản vay dưới 4,5%, những điều kiện để doanh nghiệp thỏa đáng và đáp ứng được không đơn giản, nên hiện tại vẫn chưa có đủ tiêu chuẩn để có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất", bà Lê Nguyên Trang Nhã, Tổng giám đốc Công ty Viking Việt Nam, cho hay.
Theo Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP Hồ Chí Minh, để tiếp cận vay mới, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện không nợ xấu, đảm bảo doanh thu. Tuy nhiên, thực tế số doanh nghiệp thời gian qua còn hoạt động khoảng 30%, doanh thu giảm mạnh. Trong khi, các tài sản đang thế chấp, ngân hàng vẫn chưa đánh giá lại để tăng hạn mức cho vay.
"Giá trị tài sản hàng năm tăng cao, mặc dù có dịch thì tài sản nó cũng tăng nhưng thời điểm lúc đó chỉ cho vay 50 - 60%, nên bây giờ giá trị tài sản đã tăng lên gấp 3 lần. Đặc biệt tại TP Thủ Đức, có những khu vực đã lên gần gấp đôi nhưng ngân hàng vẫn không đánh giá lại và cũng không nâng hạn mức cho vay giá trị tài sản lên 100%", ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP Hồ Chí Minh, nói.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, nếu được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được đáng kể chi phí, dồn lực tái đầu tư sản xuất kinh doanh.
TP Hồ Chí Minh gỡ khó cho doanh nghiệp tiếp cận vốn
Để kịp thời tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14. Quy định đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với dư nợ gốc hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8 năm nay. Thời hạn cơ cấu nợ cũng được kéo dài đến 30/6 năm sau. Bên cạnh các chính sách ưu đãi về lãi suất, đặc biệt là đối các địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, như TP Hồ Chí Minh, ngành ngân hàng đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh tập trung thực hiện 3 nội dung chính:
- Cơ cấu, không chuyển nhóm nợ đối với khách hàng; miễn giãm lãi vay, phí giao dịch ngân hàng và tiến hành cho vay mới;
- Giám sát thực hiện việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, mức giảm trung bình là 1% trên tổng dư nợ hiện hữu của khách hàng;
- Tổ chức chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng mang tính hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; đặc biệt là tháo gỡ điều kiện vay vốn cho khách hàng khi không có tài sản thế chấp.
"Chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các khách hàng nói chung và doanh nghiệp nói riêng, giúp họ tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thông qua việc họ cho phép chúng tôi quản lý các dòng tiền của họ, quản lý các nguồn thu của họ. Chúng tôi xem đó là cơ sở để chúng tôi thu hồi nợ", Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh nhận định.
Cần xây dựng chính sách hỗ trợ lâu dài cho doanh nghiệp hồi phục
Đó chỉ là ví dụ điển hình tại một địa phương. Hiện nền kinh tế có hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số này đều có năng lực tài chính hạn chế, tài sản không đảm bảo. Khung pháp lý hiện nay là cho phép ngân hàng vay tín chấp, nhưng tỷ lệ vẫn chưa cao vì vẫn phát sinh rủi ro. Do đó, các chuyên gia cho rằng nên có chính sách linh hoạt hơn để trợ lực cho doanh nghiệp.
Thiếu lao động, chi phí sản xuất tăng cao, nhiều doanh nghiệp vẫn đang rơi vào thế khó. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả và khoanh nợ, giảm lãi vay; khuyến khích cho vay tín chấp khi doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu, hợp đồng xây dựng, hoặc trong chuỗi cung ứng; linh hoạt áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi và cấp bù chênh lệch lãi suất, trong đó xem xét nới tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng… là điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ hơn.
"Nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng đó thì bây giờ tiếp tục nới lên từ 8,5% cho đến hơn 12% với các ngân hàng đáp ứng các điều kiện, ví dụ như có hệ thống quản trị rủi ro tốt, tiêu chuẩn basel. Bởi vì chúng ta tăng như vậy thì mới giảm được sức ép lãi suất cho vay và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên trường quản lý và chính sách công Fulbright Việt Nam, cho biết.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, ngành ngân hàng có thể áp dụng giải pháp chưa từng có tiền lệ. Đó là tổ hợp tín dụng - hình thức vốn đã áp dụng nhiều nước trên thế giới. Ngân hàng Nhà nước cùng với Hiệp hội Ngân hàng đứng ra làm đầu mối để tổ chức tổ hợp tín dụng, với hạn mức cho vay 300.000 tỷ đồng.
"Gói này cũng tương đương với gói năm ngoái Ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng thương mại là 300.000 tỷ. Như vậy chúng ta cứ dùng gói này, tất cả các ngân hàng đều phải tham gia vào tổ hợp tín dụng này. Mỗi ngân hàng tham gia với tỷ lệ 3% trên tổng dư nợ hiện có của mình", TS, Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho hay.
Tổ hợp tín dụng sẽ xây dựng quy chế đặc biệt, xác định đối tượng và tiêu chuẩn doanh nghiệp cho vay dưới hình thức tín chấp, lãi suất từ 3 - 5%. Cũng theo chuyên gia, thời hạn tổ hợp tín dụng chỉ kéo dài vài năm cho đến khi nền kinh tế hồi phục trở lại.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh thêm rằng, một mình giải pháp tiền tệ - tín dụng sẽ không giải quyết được nhiều khó khăn, thách thức lớn hiện nay, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ các giải pháp khác như: tài khóa, an sinh xã hội và chiến lược, chính sách phục hồi sản xuất kinh doanh an toàn trong bối cảnh còn dịch bệnh cũng như sau này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!