Việc Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam. Chủ trương này được Quốc hội thông qua ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Tới đây, hàng loạt công việc quan trọng sẽ cần được triển khai bài bản, khoa học và đồng bộ.
Theo Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân, các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hạt nhân để có cơ sở về pháp lý triển khai các công việc tiếp theo.
Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì phối hợp các bộ ngành tiến hành xây dựng hồ sơ Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), trong đó có nội dung quan trọng gắn với công tác quản lý nhà nước về phát triển điện hạt nhân; với việc đồng bộ và thống nhất giữa Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và một số luật chuyên ngành như: Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng…, liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ, thẩm định an toàn và cấp phép cho các giai đoạn của dự án điện hạt nhân. Đồng thời, chúng ta cũng cần rà soát các thỏa thuận và các điều ước quốc tế".
Việc chuẩn bị sẽ được thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng, trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm có được từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 từ năm 2010 - 2016, nhất là các tài liệu về kết quả khảo sát địa điểm, đánh giá công nghệ điện hạt nhân.
Trong các công việc chuẩn bị sẽ có việc đánh giá lại nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân, trong đó có hơn 300 sinh viên, cán bộ trẻ đã được cử đi đào tạo tại Nga trước năm 2016.
PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho hay: "Một số người hiện đang làm việc tại EVN, một số người làm cho các cơ quan sự nghiệp như chúng tôi, rồi cơ quan quản lý, một vài em nữa thì gửi lại Nga để họ làm thạc sĩ, tiến sĩ. Có một số em học tốt thì người Nga họ còn thuê luôn và hiện nay đang làm việc ở dự án điện hạt nhân của Bangladesh. Bắt đầu khởi động lại có lẽ là tìm hiểu họ và thu thập lại tối đa những bạn đấy, đồng thời tiếp tục đào tạo tiếp".
Việc tiếp tục vận hành an toàn của lò hạt nhân ở Đà Lạt và khẩn trương hoàn thành sớm đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai cũng là các công việc cần thiết, bởi đây là các cơ sở nghiên cứu hạt nhân, có thể trực tiếp đào tạo nhân lực và thực hiện các hoạt động nghiên cứu phục vụ phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!