Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng từ “cuộc chiến” công nghệ Mỹ - Trung

VTV Digital-Thứ tư, ngày 16/08/2023 15:38 GMT+7

VTV.vn - Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng sau khi Tổng thống Biden mới đây ký lệnh hạn chế dòng tiền từ Mỹ chảy vào ngành công nghệ của Trung Quốc.

Theo nhiều chuyên gia, sắc lệnh mới này của Mỹ có nguy cơ cản trợ lợi ích chung của các công ty bán dẫn thế giới, cũng như mô hình phát triển toàn cầu của ngành, vốn đã mất nhiều thập kỷ để hình thành.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp hạn chế các công ty trong nước đầu tư vào công nghệ "nhạy cảm" của Trung Quốc như chất bán dẫn, vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử, và trí tuệ nhân tạo… Chính quyền ông Biden cho biết động thái này nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính sách mới của Mỹ sẽ tác động không chỉ tới Trung Quốc mà còn cả nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Ước tính 70.000 công ty Mỹ có thể gặp ảnh hưởng bất lợi bởi lệnh cấm này

Ông Ye Tianchun - Giám đốc Viện Vi điện tử của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết: "Ngành công nghiệp bán dẫn phải mất nhiều thập kỷ mới tạo nên một mô hình toàn cầu, hình thành một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh dựa vào thế mạnh của các quốc gia và khu vực khác nhau. Với Đạo luật Khoa học và Chip và các động thái tương tự, Mỹ muốn tự trang bị cho mình một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh - điều khiến Trung Quốc lo ngại".

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng từ “cuộc chiến” công nghệ Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng sau khi Tổng thống Biden mới đây ký lệnh hạn chế dòng tiền từ Mỹ chảy vào ngành công nghệ của Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc vốn từng là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng. Theo nhà cung cấp dữ liệu PitchBook, tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ vào Trung Quốc hồi năm ngoái giảm mạnh, xuống còn 9,7 tỉ USD từ mức 32,9 tỉ USD vào năm 2021. Còn từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ chỉ đổ 1,2 tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc.

Thay vào đó, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tự đổ tiền vào các công ty AI trong nước và trở thành các nhà đầu tư chi phối, theo báo cáo từ trung tâm an ninh và công nghệ mới nổi có trụ sở ở Mỹ.

Ông Earl Rasmussen - Cựu Phó chủ tịch của Trung tâm Á - Âu cho biết: "Từ năm 2015 đến năm 2021, ít nhất 71% giá trị giao dịch và 92% giao dịch đầu tư đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Do đó, giới quan sát nghi ngờ rằng những hạn chế mới sẽ không có tác động lớn và lâu dài".

Các chuyên gia cảnh báo các công ty Mỹ sẽ không nhận được lợi ích từ hoạt động sản xuất của Trung Quốc và phát triển các linh kiện tiết kiệm chi phí để bán hoặc sử dụng trong nước hay các nước thứ ba.

"Động lực hình thành chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu trong vài năm qua thực chất là tìm ra mức chi phí thấp, bởi chỉ như vậy doanh nghiệp mới có thể kiếm được lợi nhuận", ông Wei Shaojun - Giáo sư, Viện Hàn lâm Khoa học Á-Âu Quốc tế, Đại học Thanh Hoa nói.

Bất chấp những hạn chế này, Trung Quốc được dự báo vẫn là nhà sản xuất có vị thế lớn trên thế giới và sẽ tiếp tục hợp tác với các nước Nam bán cầu để hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng thị phần trên thị trường thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước