Ngày 25/3, Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa tâm dịch Hồ Bắc, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình tái khởi động nền kinh tế số 2 thế giới, vốn đã bị đình trệ trong suốt 2 tháng bởi COVID-19.
Ông Wang Xiao Long, Tổng Giám đốc Cơ quan Kinh tế Quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay: "Trước hết, chúng tôi cố gắng ổn định nền kinh tế Trung Quốc. Với các biện pháp đã được triển khai, sự quay trở lại làm việc của người lao động, sự nối lại hoạt động sản xuất của các nhà máy trên khắp cả nước, tôi nghĩ nền kinh tế Trung Quốc sẽ dần quay trở lại bình thường".
Nhưng có lẽ, Trung Quốc sẽ khó có thể tìm thấy sự bình thường này. Nền kinh tế số 2 thế giới tiếp tục phải đón nhận cú sốc kinh tế tập 2 mang tên "Sốc cầu". Thế giới không còn lo thiếu nguyên liệu sản xuất bởi họ còn đang phải lo chống dịch. Một bàn tay khó làm nên tiếng vỗ khi các thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc là Mỹ, châu Âu đang đang bế quan tỏa cảng.
Ông Johan Bjerkem, chuyên gia thương mại Trung tâm Chính sách châu Âu nhận định: "Dịch bệnh tại Trung Quốc trong giai đoạn đầu đã ảnh hưởng lớn tới các hoạt động thương mại tại nước này và tác động gián tiếp tới thế giới. Nhưng trong giai đoạn hai, chúng ta sẽ thấy dịch bệnh tác động lớn hơn tới các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác".
Theo một thống kê đáng chú ý, 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay cùng nhau tạo ra 66% GDP, chiếm 46% xuất khẩu toàn cầu. Cũng 10 quốc gia này cùng nhau chiếm tới 71% số ca nhiễm và 79% số ca tử vong do COVID-19. Do vậy, khi các quốc gia này đồng loạt áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới với bên ngoài, sự đứt gãy và xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu là điều không thể tránh khỏi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!