Cơ cấu lại nợ sau bão

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 03/10/2024 20:15 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp và 26 địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại nhằm kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền thực hiện các chính sách hỗ trợ để phục hồi sản xuất.

Giãn, hoãn nợ cho người dân và doanh nghiệp

Những thiệt hại do cơn bão số 3 và lũ lụt, sạt lở sau bão là rất lớn. Ngoài những mất mát không gì bù đắp được về người, những thiệt hại kinh tế là không nhỏ.

Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu lên tới trên 81.503 tỷ đồng. Trong đó, riêng hai địa phương là Quảng Ninh và Hải Phòng đã là hơn 36.000 tỷ đồng. Với nhiều bà con nuôi trồng thủy hải sản, cơn bão đã cuốn đi thành quả gây dựng trong nhiều năm và thậm chí để lại những món nợ khổng lồ.

Kiểm tra, nhặt nhạnh lại từng phao nổi bị bão đánh trôi dạt, gia đình anh Toàn từng có hàng vạn chiếc phao như này dùng để nuôi ngao, nuôi hàu nhưng đúng đến mùa thu hoạch thì bị bão cuốn trôi đi hết, thiệt hại hơn 7 tỷ đồng, trong đó có hơn 2 tỷ là tiền vay ngân hàng

Anh Đào Văn Toàn - Thôn 14, xã Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh ngậm ngùi: "Có bao nhiêu mình đầu tư hết xuống biển. Thiên tai lấy hết đi, người dân chỉ mong muốn chính quyền Nhà nước hỗ trợ cho dân phần nào tốt phần ấy, ngân hàng giãn nợ và cấp thêm vốn cho dân nuôi trồng".

Trước đây, nuôi thủy sản mặt biển là thế mạnh, là sinh kế của nhiều người dân của các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhưng sau cơn bão, hơn 11.000 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi. Nhiều ngân hàng đã ngay lập tức vào cuộc để hỗ trợ, vì cứu được sinh kế cho bà con cũng là cứu chính nguồn vốn của ngân hàng.

Ông Trần Quang Ánh - Giám đốc Ngân hàng LPBank, Chi nhánh Hải Phòng cho biết: "Chúng tôi giảm tối đa đối với những khách hàng cũ và dành gói 80 tỷ cho những khách hàng vay mới, xuống trực tiếp khách hàng để thu nhận cũng như tư vấn trong quá trình làm hồ sơ để làm sao thu thập hồ sơ một cách nhanh chóng nhất".

Có tiền, người dân cũng chọn mua phao nổi cũ với giá rẻ chứ không dám mua mới, mặt nước cũng được địa phương đo lại để phân vùng nuôi. Nhưng dù vay được tiền lãi suất thấp thì người dân lại đối mặt với việc phải mua con giống ở mức giá cao.

Một mảnh hàu giống trước đây được bán với giá là 500 đồng, nhưng nay giá đã được bán với giá là 800 đồng, tức là tăng đến 60%. Và theo người dân, giá vẫn đang tiếp tục tăng, vậy nên nguồn giống các loại thuỷ hải sản cũng là điều mà bà con đang rất mong nhận được sự hỗ trợ, để có thể tái sản xuất một cách nhanh nhất.

Theo người dân, hiện họ đang phải mua từ các trại giống chứ chưa có sự phân bổ từ địa phương. Nếu việc thiếu giống kéo dài, rất có thể trong thời gian tới sẽ có các loại giống nhập ngoại, chỉ sống được từ 6 đến 7 tháng, chất lượng không bằng trong nước. Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tính đến phương án lấy nguồn từ các địa phương khác.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Khi Cục Chăn nuôi tổng hợp hết được sẽ đề nghị với những doanh nghiệp, doanh nghiệp nào cấp giống, doanh nghiệp nào cấp thức ăn, giống gì, đối tượng nào, có quy hoạch tổng thể từ đó phân bổ lại cho các tỉnh".

Nuôi thủy sản có thể mất 6 đến 8 tháng mới bắt đầu có thu hoạch và có dòng tiền. Vậy nên, sớm tái đàn được ngày nào là cơ hội để người dân vực dậy và khôi phục cuộc sống sớm ngày đó.

Cơ cấu lại nợ sau bão - Ảnh 1.

Những thiệt hại do cơn bão số 3 và lũ lụt, sạt lở sau bão là rất lớn

Giảm lãi suất đến 2% cho các khoản vay mới

Thấu hiểu việc người dân và doanh nghiệp không có dòng tiền trong 6 tháng, thậm chí là 8 tháng, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về cơ cấu hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng khó khăn do thiệt hại của bão số 3.

Theo đề xuất, các ngân hàng có quyền cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến hết năm 2025 tùy thuộc vào mức độ khó khăn của từng khách hàng. Chính sách cho phép hoãn, giãn nợ sẽ giúp người dân, doanh nghiệp không rơi vào nợ xấu và có thêm thời gian phục hồi.

Rõ ràng, những thiệt hại về nhà ở, xưởng sản xuất và máy móc hết sức nặng nề. Cả nước, hơn 280.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái, hơn 112.000 nhà bị ngập. Nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn đang trong quá trình sửa chữa.

Doanh nghiệp chuyên cung ứng vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất cho các dự án nhà ở xã hội, công trình dân sinh đã vừa phải lợp lại mái cho nhà xưởng. Đường điện, đường nước và các hạ tầng sản xuất vẫn đang dần được hoàn thiện trở lại. Vay ngân hàng hơn 20 tỷ, áp lực dòng tiền hàng tháng của họ là rất lớn

Bà Hoàng Thị Hiếu - Phó Giám đốc Công ty Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Phú Anh nêu ý kiến: "Chúng tôi cũng phải thông cảm cho khách hàng bằng việc giãn công nợ cho khách hàng. Do đó, phần doanh thu của chúng tôi thu về số tiền ít hơn. Chúng tôi mong muốn giảm phần trăm lãi suất, tối đa khoảng 2% và gia hạn thêm thời gian phải trả nợ khoảng 3-6 tháng".

Bà Diệp Kim Hoàn - Giám đốc Phát triển bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho biết: "Chúng tôi chưa ước tính số lượng về con số cộng bằng tiền quy đổi ra bao nhiêu. Nhưng ngay ban đầu, chúng tôi thấy ngay việc gián đoạn sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp là một thiệt hại rất lớn. Đặc biệt, bây giờ họ phải sửa chữa lại toàn bộ cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, nhà máy sẽ mất khoảng 2-3 tháng để khôi phục".

Đến nay, đã có 35/40 ngân hàng thông báo đến Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn vay mới và giảm lãi suất lên đến 405.000 tỷ đồng. Trong đó, dành khoảng 300.000 tỷ đồng cho vay mới, với mức lãi suất giảm từ 0,5-2% so với trước đây.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: "Hạ lãi suất kể cả bằng việc cắt giảm tất cả chi phí không cần thiết, hay đúng hơn là chi phí hành chính hiện nay để lấy điều kiện hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Cũng như phải cắt giảm phần lợi nhuận của mình để chia sẻ với doanh nghiệp đúng như tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là Lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".

Theo các gói vay mới này, các khoản vay ngắn hạn lãi suất sẽ giảm còn từ 5-6,7%/năm, còn với trung hạn là từ 5,5-8%/năm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các quy trình thực hiện cần nhanh gọn, tránh phiền hà thì mới thực sự hiệu quả.

Cơ cấu lại nợ sau bão - Ảnh 2.

Những chính sách về miễn giảm thuế đã được triển khai

Miễn giảm thuế, phí cho người dân và doanh nghiệp

Ngoài giảm lãi suất khi vay mới, các khoản nợ cũ cũng được nhiều ngân hàng ân hạn cho đến cuối năm. Tức là người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do bão có thể bắt đầu trả lãi từ năm sau.

Ngoài ra, cũng để giảm áp lực về dòng tiền ngay lập tức cho cho người dân và doanh nghiệp, những chính sách về miễn giảm thuế đã được triển khai. Bộ Tài chính cho biết, doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế hai năm, giảm tới 30% thuế tiêu thụ đặc biệt. Hộ, cá nhân kinh doanh sẽ được miễn giảm thuế.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty đóng tàu Hạ Long, Quảng Ninh cho biết: "Chủ trương rất kịp thời giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhanh chóng được ổn định và phục hồi".

Bà Hoàng Thị Thắm - Kế toán Trưởng Công ty HUADE HOLDINGS Việt Nam, TP. Hải Phòng chia sẻ: "Trang trải các chi phí trước mắt để doanh nghiệp kịp thời đi vào sản xuất. Chính sách này giảm bớt gánh nặng nộp thuế cho công ty".

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, Thành phố phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế. Cục Thuế 26 tỉnh, thành đã có nhiều biện pháp để các chính sách này đến ngay với người nộp thuế.

Ông Vũ Huy Khuê - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng nêu ý kiến: "Doanh nghiệp bị ảnh hưởng của bão lũ sẽ được gia hạn nộp thuế, gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, miễn tiền chậm nộp, miễn phạt vi phạm hành chính".

Ngay lúc này, các doanh nghiệp và 26 địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại nhằm kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền thực hiện các chính sách hỗ trợ để phục hồi sản xuất và thực thi các chính sách an sinh xã hội. Những chính sách về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất hay giảm thuế đều được đưa ra kịp thời. Nhưng làm sao để người dân có thể thụ hưởng nhanh nhất thì hiệu quả của chính sách mới phát huy tối đa tác dụng. Làm sao để không có những quy trình rườm rà, nhất là tránh tình trạng trục lợi trong quá trình triển khai chính sách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước