Cơ chế thu hút đầu tư dự án PPP chưa hấp dẫn

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 21/11/2023 21:30 GMT+7

VTV.vn - Ngay ở những khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế, việc thu hút các nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP cũng không dễ dàng.

Hôm nay (21/11), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đối với dự án đường cao tốc từ Đồng Đăng tới Trà Lĩnh lên 70% và dự án đường ven biển Thái Bình là 80%.

Hai dự án này có đặc điểm chung là doanh thu và lưu lượng xe rất thấp. Nếu vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án này ở mức quy định hiện nay là 50% thì phương án tài chính sẽ không khả thi.

Là dự án trọng điểm phát triển kinh tế vùng, nhưng dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Trà Lĩnh (Cao Bằng) vẫn chưa thể triển khai khi thiếu nguồn đầu tư. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 14.330 tỷ đồng. Dù còn khó khăn, nhưng vốn ngân sách của tỉnh Cao Bằng đã bố trí hơn 4.000 tỷ đồng, phần còn lại vẫn khó huy động nguồn vốn từ ngân hàng do phương án tài chính không khả thi. Nếu không tăng vốn ngân sách nhà nước lên để đảm bảo phương án tài chính thì không thể thực hiện được.

"Cao Bằng muốn phát triển, xóa được đói giảm nghèo thì phải tập trung vào các tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đây là mong mỏi của nhân dân nhưng chưa có điều kiện để thực hiện", ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, cho biết.

Cơ chế thu hút đầu tư dự án PPP chưa hấp dẫn - Ảnh 1.

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Khi tham gia dự án, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu để hạ tổng mức đầu tư xuống khoảng 23.000 tỷ đồng, tức giảm hơn một nửa so với dự toán trước đây bằng cách áp dụng các công nghệ mới, nhưng dù có giảm, câu chuyện tài chính vẫn rất khó để thực hiện dự án.

Ngay ở những khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế, việc thu hút các nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP cũng không dễ dàng. Chính vì thế, ở những vùng khó khăn, nếu có nhà sự tham gia của nhà đầu tư cùng nhà nước để hoàn thiện hệ thống giao thông càng đáng được coi trọng.

"Phần lớn ở các địa phương chậm phát triển đều có yếu tố giao thông còn yếu kém. Chính vì thế, Việt Nam nên tiếp tục huy động thêm nhiều nguồn vốn, nguồn lực cho giao thông. Đặc biệt khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Chỉ khi giao thông được tốt thì người dân mới thoát nghèo và kinh tế mới tăng trưởng được", ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nhận định.

Ngoài 2 dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và dự án đường ven biển Thái Bình, còn có một số dự án đường bộ đang được chuẩn bị đầu tư nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại vùng, miền còn khó khăn, có yếu tố an ninh - quốc phòng. Nếu không có quy định đặc thù, thí điểm quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được xem xét, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án lớn hơn 50% đối với các dự án PPP đường bộ thì rất khó thu hút được nhà đầu tư tham gia, bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy kinh tế bứt phá.

Tăng sức hút của dự án đối tác công - tư

Từ năm 2020 đến nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ra đời và có hiệu lực thi hành mới chỉ có 6 dự án được phê duyệt chủ trương theo phương thức này và đang triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư, do đó cần phải nghiêm túc đánh giá nguyên nhân do thể chế pháp luật, chính sách hay nguyên nhân nào khác.

Vướng mắc lớn nhất được các nhà đầu tư chỉ ra đó là quy định về mức vốn nhà nước tham gia dự án PPP tối đa 50% tổng vốn đầu tư là chưa phù hợp.

"Chi phí giải phóng mặt bằng rất là lớn. Nếu chúng ta tính tổng chi phí mặt bằng vào trong tổng chi phí dự án và nhà nước chỉ đóng góp 50% thì nhiều khi nhà đầu tư phải bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng và như vậy thời gian thu hồi được vốn đầu tư dài là không khả thi", ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đánh giá.

Tỷ lệ góp vốn của nhà nước không hấp dẫn sẽ không thu hút được nhà đầu tư, dự án bị chậm trễ triển khai hay phải chuyển sang sử dụng hình thức đầu tư công thì người dân bị thiệt thòi, nhà nước sẽ mất thêm tiền đầu tư và quản lý vận hành sau này là những hệ lụy thấy rõ.

"50% vốn, đây đó chính là nút thắt chưa thu hút được nhà đầu tư. Bởi vì điều quan trọng nhất của thu hút PPP đó là vai trò của nhà nước và thứ hai là vấn đề chia sẻ rủi ro, chia sẻ vấn đề nếu như lợi nhuận, doanh thu suy giảm, đấy mới là vấn đề mấu chốt", ông Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nhận định.

"Trong bối cảnh các dự án đang được lập, đã được triển khai đầy đủ, nhưng bây giờ chỉ còn việc liên quan đến tỷ lệ góp vốn của nhà nước mà chúng ta lại không điều chỉnh kịp thời thì những thiệt hại về mặt kinh tế sẽ lớn. Chúng ta chỉ cần tăng tỷ lệ lên thì cái lợi ích đem lại là vô cùng lớn cho nền kinh tế và cho đất nước", ông Phạm Văn Thịnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nêu quan điểm.

Nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 chiếm khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công chỉ khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nghĩa là nguồn vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư phát triển.

Lãi suất cao, nhiều dự án PPP gặp khó khăn Lãi suất cao, nhiều dự án PPP gặp khó khăn

VTV.vn - Nếu vấn đề lãi suất vốn vay không được giải quyết thì một số dự án PPP có thể dừng cho dù đó là công trình trọng điểm quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước