Cơ hội rộng mở cho xuất khẩu tổ yến của Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 19/11/2022 09:34 GMT+7

VTV.vn - Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa hoàn tất việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với sản phẩm tổ yến của Việt Nam.

Điều này đồng nghĩa sẽ mở ra cánh cửa xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang thị trường tiêu thụ yến lớn nhất trên thế giới. Việt Nam có tiềm năng rất lớn và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến do có bờ biển dài, nhiều đảo và các dãy núi nhô ra biển, ra các đầm, phá.

Chất lượng sản phẩm tổ yến của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Hiện nay, cả nước có trên 22.000 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD.

Đảm bảo chất lượng yến sào phục vụ xuất khẩu

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, với khoảng 300 tấn mỗi năm, tức là chiếm 80% thị phần toàn cầu. Trong khi đó, sản phẩm tổ yến của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng. Đây chính là cơ hội cho ngành yến của Việt Nam nâng cao được giá trị và thương hiệu. Hiện nay, tại các vùng nuôi yến trọng điểm, bà con nông dân đã chuẩn bị kỹ càng cả về số lượng và chất lượng để phục vụ xuất khẩu.

Cơ hội rộng mở cho xuất khẩu tổ yến của Việt Nam - Ảnh 1.

Chất lượng sản phẩm tổ yến của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực.

Mỗi ngày 2 lần, anh Trúc (thành phố Châu Đốc, An Giang) phải trực tiếp dọn phân yến cho căn nhà yến 450 m2 của gia đình. Để tổ yến trắng, không bị hơi ẩm từ phân yến dưới đất bốc lên làm ố vàng và có hàm lượng nitrat cao thì đây là công việc bắt buộc. Sau 4 năm đầu tư, đến nay căn nhà đang có khoảng 3.000 tổ cho thu về 60 kg yến thô mỗi năm. Với chất lượng tốt dự kiến cho thu về ít nhất 3 tỷ đồng trong năm nay.

Ngoài ra, dàn máy trị giá 500 triệu đồng bao gồm các hệ thống loa dể dẫn dụ yến được lắp ở nhiều điểm trong ngồi nhà, cùng với đó là hệ thống đo độ ẩm mà bất kỳ người nuôi nào cũng phải trang bị. Khi dùng máy dẫn dụ thì năng suất sẽ tăng cao hơn từ 40% so với không sử dụng.

Từ nhiều năm qua việc nuôi yến ở khu vực tỉnh An Giang đã được quy hoạch và giám sắt chặt chẽ. Tuy nhiên, do chỉ đa phần bán ở thị trường trong nước nên phần lớn cách nuôi và chế biến mỗi nơi mỗi khác chưa có quy chuẩn chung. Vì vậy, nên việc áp dụng cách làm chung theo một quy trình là bắt buộc nếu muốn xuất khẩu.

Việc tập trung quản lý chất lượng sản phẩm sẽ yêu cầu các địa phương phải thành lập khu kiểm định, đánh giá trước khi tinh chế sâu hơn. Ngoài ra, với sản phẩm bán thô cũng phải kiểm tra kỹ hàm lượng protein để tránh hàng giả và đảm bảo uy tín, thương hiệu yến sào Việt Nam.

Áp dụng chế biến sâu cho tổ yến phục vụ xuất khẩu

Chất lượng yến sào Việt Nam được đánh giá vào hàng tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, giá bán bình quân chỉ bằng 20 - 40% sản phẩm của nhiều nước khác. Với giá trị dinh dưỡng, chất lượng và nhu cầu thế giới cao, yến sào Việt Nam có thể đạt giá trị xuất khẩu tỷ đô trong tương lai không xa.

Chính vì thế, cần khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay. Việc thành lập các trung tâm chế biến sâu, theo chuỗi khép kín sẽ là bắt buộc. Như vậy mới đủ điều kiện để xuất khẩu lô đầu tiên sang được thị trường Trung Quốc.

Cơ hội rộng mở cho xuất khẩu tổ yến của Việt Nam - Ảnh 2.

Sản lượng yến của Việt Nam khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD.

Để nhặt được hết lông và bụi cho 100g tổ yến một công nhân có tay nghề cao sẽ phải mất ít nhất là 8h đồng hồ. Chế biến sâu và theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt sẽ là các bước cần thiết để nâng cao được giá trị cho sản phẩm yến sào Việt Nam và quan trọng hơn là phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Mỗi tháng thu mua và gia công 200 kg yến thô, Công ty Việt Nam Quốc Yến đang là đơn vị đầu tiên làm hồ sơ để đăng ký xuất khẩu yến sang thị trường Trung Quốc. Yến sau khi được phân loại, sẽ được xử lý sục ozone, nhặt lông và lọc bụi. Tất cả đều được làm theo quy trình khép kín, tiệt trùng cao nhất.

Mỗi năm Việt Nam thu hoạch khoảng 120 tấn tổ yến, giá trị tương đương 450 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu khoảng 100 - 125 triệu USD. Tuy nhiên đây vẫn là con số khiêm tốn so với các nước có công nghệ chế biến cao trên thế giới. Việc đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ tổ yến cũng sẽ là nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp chế biến thời điểm này.

Với đà phát triển của ngành yến hiện nay, tổng sản lượng yến sào Việt Nam dự kiến thu hoạch từ các nhà yến vào năm 2025 khoảng 160 tấn chưa sơ chế. Tuy nhiên số liệu thống kê số lượng nhà yến của Việt Nam cũng đang có độ vênh khá lớn. Trong khi Cục Chăn nuôi đưa ra số lượng nhà yến cả nước khoảng 12.000 nhà thì thống kê của Chi hội nhà yến Việt Nam cho biết nhà yến thực tế đã vượt con số 30.000.

Do các chủ nhà yến chưa nắm rõ chính sách thuế đối với ngành yến nên không thực hiện khai báo với cơ quan quản lý. Điều này nếu không được kiểm soát sớm thì sẽ phát sinh những bất cập gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và cho ngành yến của Việt Nam.

Việt Nam đã mất 3 năm, để đàm phán xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kỹ và tuân thủ đúng theo yêu cầu của phía bạn. Việt Nam cũng cần rút kinh nghiệm của các nước trong khu vực để tránh đi vào vết xe đổ trong việc phát triển nghề nuôi yến khi sản lượng và doanh số bán tổ yến đang sụt giảm.

Hiện nhiều vùng nuôi yến ở Indonesia, Malaysia bị chững lại vì nguồn côn trùng tự nhiên làm mồi ăn cho đàn yến đã suy kiệt. Việc phát triển nóng cũng khiến 80% số hộ nuôi yến ở Malaysia đầu tư không hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước