Cơ hội tốt nhất đối với hạt gạo nước ta vào thời điểm này là việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được thực thi.
"Chúng ta được Liên minh châu Âu ưu đãi về mặt hạn ngạch, điển hình là có khoảng 80.000 tấn/1 năm. Đây là điều kiện rất là tốt", ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT nói.
Đặc biệt, thuế suất gạo Việt Nam vào EU giảm về 0%. Theo các doanh nghiệp, đây là cơ hội rất tốt vì lâu nay gạo nước ta muốn vào châu Âu các nhà nhập khẩu phải chịu mức thuế từ 5 - 45%.
Gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội "vàng" để vươn xa. Ảnh minh họa - Dân trí
Quan trọng hơn, người châu Âu ưa chuộng dòng gạo thơm, cao cấp. Đây là động lực lớn để các nhà máy tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Không chỉ có dòng gạo thơm, bao bì lớn, thời gian tới nhiều doanh nghiệp còn chế biến thêm các dạng đóng túi từ 1 - 5 kg để xuất khẩu vào châu Âu. Chính sự đa dạng này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh cũng như giá trị hạt gạo Việt Nam.
Ngoài châu Âu, các nhóm thị trường ở châu Phi, châu Á… cũng đang tích cực nhập khẩu gạo Việt Nam nhằm dự trữ trước ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Giá gạo Việt đạt đỉnh sau 9 năm
Tính đến cuối tháng 8/2020, xuất khẩu gạo nước ta đã cán mốc 2,2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, lần đầu tiên giá trị hạt gạo Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới khi cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan.
Cụ thể, trong tháng 8/2020, gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 380 - 385 USD/tấn lên 383 - 389 USD/tấn. Gạo tiêu chuẩn 5% tấm Thái Lan tăng từ 463 - 485 USD/tấn lên mức 480 - 500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2020.
Gạo 5% tấm Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480 - 490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.
Hạt gạo Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới khi cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan. Ảnh minh họa - Dân trí
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 35,3% thị phần. Trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,5 triệu tấn và 688,3 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và tăng 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Các thị trường có trị giá xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất gồm Senegal (gấp 19,8 lần), Indonesia (gấp 3,1 lần) và Trung Quốc (tăng 84%).
Trong tháng 8/2020, một trong những điểm nhấn đáng lưu ý nhất là mức giá xuất khẩu gạo Việt sang thị trường EU đã chạm tới con số kỷ lục hơn 1.000 USD/tấn sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!