Ngày thứ Hai đen tối đối với cổ phiếu Stellantis, tập đoàn đa quốc gia hợp nhất nhiều hãng xe Pháp, Italy và Mỹ, với 14 nhãn hiệu ô tô khác nhau.
Theo tờ Le Figaro của Pháp, ông Carlos Tavares, Tổng Giám đốc tập đoàn, đã phải thừa nhận, "Năm 2024, Stellantis chỉ có thể đạt biên độ lợi nhuận từ 5,5 đến 7%, tức là kém xa so với 14,4% của năm ngoái". Ngay sau tuyên bố đó, "cổ phiếu Stellantis lao dốc 15%, tương đương 6 tỷ Euro vốn hoá bốc hơi trên thị trường chứng khoán". Hiệu ứng dây chuyền, "một loạt cổ phiếu xe hơi, Renault, Volvo, Porsche, Opmobility đều sụt giá".
Tờ Mặt trời 24h ra tại Italy tính rằng, cổ phiếu xe hơi nói chung đã mất 4% giá trị trên các sàn chứng khoán châu Âu chỉ trong một ngày. Biểu đồ theo bài báo cho thấy tình hình khá thê thảm. Stellantis giảm 14,7% trong phiên đầu tuần, còn tính từ đầu năm, người cầm cổ Stellantis đã mất tới 41,3%, tức là mất gần một nửa vốn liếng.
Theo bài báo, "Hồi tháng 3 năm nay, Stellantis còn đứng thứ ba toàn cầu về giá trị vốn hoá, chỉ sau Tesla và Toyota. Sau phiên giao dịch đầu tuần, Stellantis tụt xuống thứ 17 về giá trị vốn hoá, còn thua cả một hãng xe Ấn Độ" ít tên tuổi. Trong ngày hôm đó, cổ phiếu của các hãng ô tô khác cũng mất giá, ở mức độ ít hơn.
Không chỉ các hãng xe châu Âu, trên sàn chứng khoán London, cổ phiếu của hãng xe Aston Martin đã mất tới 1/4 thị giá trong phiên giao dịch đầu tuần. Một cú sốc, mà tờ Thư tín hàng ngày Scotland so sánh với một tai nạn đâm xe tan nát. "Aston Martin, với giá một xe khoảng 225.000 bảng Anh, 7 tỷ đồng Việt Nam, đã hạ mục tiêu biên lợi nhuận và cho biết sẽ giảm sản lượng, từ 7.000 xuống chỉ còn 6.000 xe trong năm nay".
Ô tô châu Âu bán chậm, liệu có phải do xe Trung Quốc cạnh tranh hay không? Tờ Die Presse ra tại Áo khẳng định là không.
Bài báo viết: "Giới chính trị gia châu Âu e ngại cạnh tranh từ Trung Quốc, nhưng các hãng xe châu Âu lại không quá lo lắng về điều đó. Thống kê cho thấy, trong suốt 18 tháng qua, lượng xe ô tô Trung Quốc bán được trên thị trường châu Âu liên tục sụt giảm, riêng trong tháng 8 vừa rồi, xe Trung Quốc bán ra giảm tới một nửa so với tháng 8 năm ngoái".
Thị trường đi xuống, là do nhu cầu tổng thể suy giảm, buộc các hãng xe phải giảm sản lượng, "từ đầu năm tới nay, tại Đức giảm khoảng 6,4%, còn tại Anh giảm tới 7,6%".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!