Cố tình "om" quỹ bảo trì có thể bị xử lý hình sự

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 28/04/2021 20:57 GMT+7

VTV.vn - Đây được coi là "liều thuốc đặc trị" đối với những chủ đầu tư cố tình chây ỳ không bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư.

Chủ đầu tư cố tình "om" quỹ bảo trì nhà chung cư có thể bị xử lý hình sự. Các biện pháp như tổ chức cưỡng chế hay chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra được quy định rõ sẽ là "liều thuốc đặc trị" những chủ đầu tư cố tình chây ỳ.

Những thông tin trên là một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định sửa đổi, bổ sung liên quan đến bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư vừa được Chính phủ ban hành, là biện pháp mạnh tay, xử lý dứt điểm tình trạng chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì chung cư để trục lợi.

Chung cư D'Le Roi Solei Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội là một trong những dự án vốn được quảng cáo gọi là "5 sao". Ròng rã 3 năm, các hộ chung cư này phải nhiều lần mang đơn thư khiếu kiện khắp nơi, đến nay chủ đầu tư mới chịu chấp nhận trả khoản phí bảo trì gần 80 tỷ đồng theo lộ trình 4 đợt.

Gần 10 tỷ đồng đã được trả cho Ban quản trị tòa nhà. Tuy nhiên, phần diện tích chung riêng vẫn chưa được phân định rõ ràng, khiến cư dân chưa xác định phần diện tích nào sẽ được dùng kinh phí bảo trì, hay phí quản lý.

Cố tình om quỹ bảo trì có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 1.

Cố tình "om" quỹ bảo trì có thể bị xử lý hình sự. Ảnh minh họa - VGP.

Luật Nhà ở năm 2014 quy định trích 2% giá trị căn hộ cho quỹ bảo trì nhằm giúp toà nhà được bảo dưỡng, vận hành theo quy định, bảo đảm an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, do chưa có chế tài rõ ràng nên hầu hết các chủ đầu tư cố tình giữ lại, lạm dụng kéo dài và sử dụng nguồn quỹ này theo mục đích riêng với lý do không tòa nhà nào vừa đưa vào sử dụng đã phải cần ngay tiền bảo trì, thậm chí còn từ chối chi trả.

Theo luật sư Nguyễn Văn Thái - Văn phòng Luật Bross & Partners, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc lạm dụng này, ngoài truy cứu hình sự còn phải xử lý cả trách nhiệm dân sự.

Nghị định 30 sửa đổi bổ sung, quy định rõ thủ tục cưỡng chế kê biên tài sản của chủ đầu tư để bàn giao cho quỹ bảo trì. Trường hợp cưỡng chế mà chủ đầu tư đã tẩu tán hết kinh phí sẽ bị xử lý hình sự. Đây được xem là giải pháp mạnh tay tháo gỡ những tranh chấp không đáng có trong nhiều năm.

Theo thống kê năm 2020 của Bộ Xây dựng, 50% số chung cư thương mại tại Hà Nội chưa bàn giao quỹ bảo trì cho các ban quản trị toà nhà. Tới thời điểm này, con số này đã giảm xuống chỉ còn khoảng dưới 40%.

Chủ đầu tư 'om' quỹ bảo trì chung cư: Những 'con voi chui lọt lỗ kim'! Chủ đầu tư "om" quỹ bảo trì chung cư: Những "con voi chui lọt lỗ kim"!

VTV.vn - Trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố thì có một chung cư đang xảy ra tranh chấp, mà 1 trong những nguyên nhân chính là việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước