Mối lo lắng lớn hiện tại của kinh tế toàn cầu vẫn là đại dịch COID-19, thiếu công bằng vaccine và vấn đề tiêm chủng chưa đồng đều giữa các quốc gia. Các thực tế này, cùng với nhiều trở ngại và thách thức mới từ giá cả tăng cao, lạm phát, nợ, thị trường lao động thiếu hụt khắp thế giới đều là các yếu tố bất an có thể tác động đến quá trình mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ông Vitor Gaspar - Giám đốc Bộ phận Tài khóa, Quỹ Tiền tệ quốc tế cho hay: "Vẫn cần nhiều hỗ trợ hơn nữa và cũng cần quan tâm đến sự phân bổ nguồn lực hỗ trợ đồng đều hơn giữa các nước giàu và các nước đang phát triển, để hướng đến hồi phục bền vững".
Thực trạng và nhiều khuyến nghị quan trọng đối với giai đoạn hồi phục sắp tới của kinh tế toàn cầu đã được đưa ra tại Hội nghị thường niên năm 2021 do Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức tuần qua tại Washington DC, Mỹ.
Kinh tế toàn cầu và quá trình hồi phục còn "gập ghềnh" và nhiều thách thức chung. Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters.
Khi các nền kinh tế như Mỹ, các nước châu Âu đã bắt đầu dần trở lại nhịp sống, sản xuất, tiêu dùng không phong tỏa, giãn cách như khi chưa có COVID-19, khi các nền châu Á dỡ bỏ dần những hạn chế phòng dịch và từng bước khôi phục các hoạt động, đây chắc chắn là điều tích cực và cần thiết. Đặc biệt khi thế giới đã mất đến gần nửa năm chao đảo, đình trệ nhiều hoạt động kinh tế vì biến thể Delta.
Nhưng quá trình hồi phục chưa hẳn sẽ đơn giản, sẽ còn nhiều thách thức chung đang đặt ra cho kinh tế toàn cầu, từ các nền kinh tế phát triển cho tới mới nổi. Đây là đánh giá của các định chế tài chính hàng đầu trong sự kiện Hội nghị thường niên IMF và WB diễn ra tuần qua tại Washington DC, Mỹ.
Quan sát các thách thức mới nổi lên gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như chuỗi cung ứng vẫn chưa liền mạch, giá cả năng lượng, hàng hóa tăng cao làm tăng nguy cơ lạm phát, thị trường việc làm ở nhiều quốc gia chịu chung tình trạng biến động, cho đến nhiều rủi ro về tài chính, tăng trưởng toàn cầu đã không còn được dự báo lạc quan như cách đây vài tháng. Tăng trưởng năm nay 2021 từ Mỹ, Nhật, các quốc gia thuộc G7, cho tới nhiều nước láng giềng tại ASEAN đều bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ so với đánh giá cũ trước đó.
Trong những lo ngại trước mắt với tiến trình hồi phục của kinh tế toàn cầu, trao đổi với phóng viên VTV, theo Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam có 5 vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất, tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa.
Thứ hai, tình trạng thiếu nguồn cung lao động do các quy định về đóng cửa và giãn cách.
Thứ ba, sức ép về lạm phát do tình trạng mất cung cầu về hàng hóa và lao động.
Thứ tư, các thách thức về an sinh xã hội khi dịch bệnh đẩy nhiều người rơi vào tình trạng nghèo đói, đặc biệt ở các nước nghèo và kém phát triển.
Thứ năm, mặc dù nhu cầu nguồn tài chính để phục hồi nền kinh tế rất lớn nhưng không gian tài khóa và nợ công ở nhiều nước thiếu bền vững.
Trong Hội nghị thường niên tại Washington tuần qua, các định chế lớn cũng đặt ra quan ngại về vấn đề nợ trên phạm vi toàn cầu. Nợ hiện nay được ước tính đã lên đến 100% GDP. Vậy trong ngắn và trung hạn nợ liệu có là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến quá trình hồi phục ở các nền kinh tế đang phát triển? Và việc tiếp cận các thách thức về mặt chính sách cần những xử lý khéo léo như thế nào?
Xung quanh các nội dung trên, chương trình Toàn cảnh thế giới với sự tham gia của Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn đã có những phân tích, bình luận chi tiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!