Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có đường cất hạ cánh dài 3.250 m, rộng 45 m, kết cấu bê tông nhựa..., đáp ứng khai thác chủng loại máy bay Code D như B757, A300 và tương đương trở xuống.
Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương phục vụ thuận lợi chuyến bay quốc tế, nội địa thường lệ, không thường lệ, các loại máy bay tư nhân, máy bay quân sự và những loại khác khi được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác. Việc kết nối với các đường bay thẳng đến nhiều quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển khách du lịch quốc tế và vận chuyển hàng hóa, rau hoa, nông sản vùng Tây Nguyên đến với nhiều nước trên thế giới với chi phí thấp nhất, thời gian nhanh nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Việc Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả vùng Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt đối với lĩnh vực du lịch trong bối cảnh Đà Lạt đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Sân bay Liên Khương được khởi công xây dựng năm 1933 với tên gọi ban đầu là Sân bay Liên Khàng. Cảng hàng không quốc tế Liên Khương cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 39 km. Sau nhiều lần nâng cấp, mở rộng, hiện nay trung bình mỗi năm Cảng hàng không quốc tế Liên Khương đón trên 2 triệu lượt khách, kết nối đến nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương còn tiếp nhận nhiều chuyến bay du lịch đến từ các nước trong khu vực và du khách Hàn Quốc.
Theo quy hoạch đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có quy mô sân bay cấp 4E, diện tích 340,8 ha, công suất thiết kế có thể đón 5 triệu hành khách/năm, định hướng đến năm 2050, cảng hàng không này có quy mô diện tích 486,8 ha, đón 7 triệu khách/năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!