Theo ước tính, sản lượng rau quả Việt Nam hàng năm đạt 31 triệu tấn, nhưng trong đó chỉ có khoảng 12 - 17% chế biến sâu. Trái cây tươi ngon, nhưng bất lợi của mặt hàng nhiệt đới là không thể bảo quản lâu .
Góp phần giải quyết bài toán này, thời gian qua các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng công nghệ trong chế biến, góp khai thác đa dạng giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Thay vì làm trà mãng cầu bằng phương pháp thủ công, cơ sở sử dụng máy xắt, máy sấy và máy rang mãng cầu
Thay vì làm trà mãng cầu bằng phương pháp thủ công, hơn 3 năm nay, cơ sở này sử dụng máy xắt, máy sấy và máy rang mãng cầu. Ngoài đưa thêm máy móc, đơn vị tập trung nâng cấp mẫu mã, bao bì sản phẩm.
Chị Hà Thị Nhan - Cơ sở sản xuất Nhan Hà, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký thêm quy trình HACCP, nâng sản phẩm từ ba sao lên bốn sao”.
Việc ứng dụng công nghệ giúp cơ sở này chủ động được nguồn hàng, không phụ thuộc vào thời tiết. Từ đây, giảm tỷ lệ hao hụt, kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và có thể đáp ứng các đơn hàng lớn, doanh thu vì vậy cũng tăng nhiều lần so với trước.
Anh Trương Đắc Nguyện - Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Từ khi áp dụng công nghệ sấy năng lượng mặt trời này, tiến độ và tốc độ ra sản phẩm nhanh hơn so với truyền thống thủ công. Thứ hai, mình kiểm soát được nhiệt độ, thời gian sấy và bảo đảm trong phòng kín không bị vi sinh vật gây hại, đảm bảo sản phẩm đầu ra tốt hơn và năng suất cao hơn”.
Ngoài sự chủ động từ phía các đơn vị chế biến vừa và nhỏ, ngành chức năng địa phương cũng dành nguồn lực để nghiên cứu các sản phẩm chế biến, giải bài toán cho đầu ra nông sản. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang đã và đang nghiên cứu sấy sữa chua, khóm, xoài, dưa lưới, nhãn, sen, sầu riêng… Đây là công nghệ sấy mới, sản phẩm có màu sắc đẹp mắt, mùi vị thơm ngon, nhất là giữ được giá trị dinh dưỡng.
Máy chiết cao dược liệu được tỉnh đầu tư cho Trung tâm để tăng cường tiềm lực công nghệ. Các quy trình chiết cao từ nông sản và dược liệu cũng đang được nghiên cứu để nhân rộng quy mô công nghiệp.
TS. Nguyễn Thị Kiều - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang nhận định: “Công nghệ chế biến này được phát triển thì sẽ thu được sản phẩm nông sản cũng như dược liệu của tỉnh Hậu Giang, để có một nguồn nguyên liệu. Từ đó, chúng ta chiết ra sản phẩm, tạo sản phẩm mới trên thị trường từ tự nhiên”.
Bên cạnh hàng loạt công nghệ hiện đại, đầu tư quy mô từ các tập đoàn, công ty, xu hướng đầu tư vào chế biến nông sản cũng đang dần lan tỏa ở những đơn vị vừa và nhỏ, và được ngành nông nghiệp địa phương quan tâm nhiều hơn. Vẫn sẽ là những hương vị của đồng bằng, của quê nhà, nhưng bảo quản lâu hơn, đi xa hơn và mang lại giá trị cho nông dân và doanh nghiệp nhiều hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!