Công tác giảm nghèo còn thiếu bền vững

Giang Hải (thoisu@vtv.vn)-Thứ sáu, ngày 06/02/2015 11:08 GMT+7

Công tác giảm nghèo còn thiếu bền vững do khó khăn trong bố trí nguồn lực thực hiện; chính sách còn dàn trải, phân tán và tồn tại tâm lý trông chờ, ỷ lại…

Đó là những nhận định được đưa ra trong Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác giảm nghèo năm 2014 vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Năm 2014, tỉ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm bình quân 2%, riêng ở 62 huyện nghèo diện 30A giảm 5%. Tuy nhiên, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư còn lớn. Cá biệt có những địa phương tỉ lệ hộ nghèo còn ở mức 60 - 70%, phần lớn là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đây, mức thu nhập chỉ bằng 1/6 mức bình quân cả nước.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Tiêu chí nghèo của chúng ta còn thấp, như ở nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng và ở thành thị là dưới 500.000 đồng/người/tháng. Thứ hai là tái nghèo còn cao, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói, cứ 3 người thoát nghèo thì có 1 người tái nghèo. Một số địa phương phản ánh tình trạng thiếu vốn cho các dự án giảm nghèo. Có chương trình, nguồn vốn chỉ bố trí được 7,5% so với nhu cầu”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Chương trình giảm nghèo trong thời gian tới sẽ ưu tiên nguồn lực cho các địa phương đặc biệt khó khăn. Thực thi chính sách sẽ tập trung vào hỗ trợ sản xuất là chính. Nhà nước cũng sẽ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp là nền tảng thực hiện giảm nghèo cho người dân".

Sang giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu của công tác giảm nghèo là sẽ tăng thu nhập của nhóm hộ nghèo lên 2 lần so với năm 2015. Bên cạnh đó, người nghèo cũng sẽ được tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin, bảo hiểm… theo chuẩn nghèo mới đa chiều.

Mời quý vị xem video:

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước