Công ty môi giới trực tuyến lớn nhất Nhật Bản dính cáo buộc thao túng giá cổ phiếu

PV-Thứ bảy, ngày 13/01/2024 06:52 GMT+7

VTV.vn - Theo hãng tin Kyodo, FSA đã đình chỉ SBI nhận lệnh giao dịch những cổ phiếu phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) cho đến hết ngày 18/1.

Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) ngày 12/1 đã quyết định đình chỉ một phần hoạt động của Công ty chứng khoán SBI, đơn vị môi giới trực tuyến lớn nhất nước này, trong một tuần vì cáo buộc thao túng giá cổ phiếu.

Theo hãng tin Kyodo, FSA đã đình chỉ SBI nhận lệnh giao dịch những cổ phiếu phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) cho đến hết ngày 18/1 và yêu cầu doanh nghiệp này nộp kế hoạch về việc tăng cường kiểm soát nội bộ đối với hoạt động kinh doanh IPO của mình vào trước ngày 13/2 tới.

Nhà chức trách Nhật Bản cho biết trong vai trò là bên bảo lãnh phát hành cổ phiếu, SBI đã chào mời các nhà đầu tư đặt lệnh mua cổ phiếu của ba công ty lần đầu được niêm yết trên sàn chứng khoán, nhằm giúp giá cổ phiếu của các công ty này tăng lên cao hơn so với giá niêm yết.

Dưới sự chỉ đạo của các giám đốc điều hành cấp cao SBI, các nhân viên đã vi phạm Đạo luật trao đổi và công cụ tài chính bằng cách "gạ gẫm" chín nhà đầu tư và 174 cá nhân đặt lệnh mua các cổ phiếu IPO trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 9/2021.

FSA cho rằng việc đẩy giá cổ phiếu lên là nhằm mục đích tạo dựng danh tiếng trong việc bảo lãnh cổ phiếu IPO và tăng cơ hội để SBI trở thành nhà quản lý chính cho các đợt niêm yết mới.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng sự quan tâm của nước ngoài đóng một vai trò trong thành tích vượt trội của chỉ số Nikkei của thị trường Tokyo (Nhật Bản), được củng cố bởi triển vọng lạc quan của nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffet đối với chứng khoán Nhật Bản. Các nhà đầu tư nước ngoài đã tìm thấy cơ hội ở Nhật Bản nhờ đồng yen yếu hơn và tiềm năng tăng giá cổ phiếu cao hơn.

Hồi tháng 6/2023, ông Dong Chen- người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại ngân hàng tư nhân Pictet cho biết, các công ty toàn cầu đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng và điều này có thể mang lại lợi ích cho Nhật Bản, đặc biệt là trong các lĩnh vực cao cấp, chuyên về công nghệ như chất bán dẫn.

Theo ông Peggy Mak, Giám đốc Nghiên cứu tại Phillip Securities Research, đồng yen dự kiến sẽ hoạt động tốt hơn vào năm 2024. Ông Mak dự đoán đồng tiền này có thể mạnh lên so với "đồng bạc xanh" khi lãi suất trên toàn cầu bắt đầu giảm, do du lịch trong nước sôi động trở lại, lương thực tế tăng và tỷ lệ tiết kiệm cao hỗ trợ đồng nội tệ Nhật Bản.

Trong khi đó, ông Yue Bamba, người đứng đầu bộ phận đầu tư tích cực tại Nhật Bản của Blackrock Investments cho rằng đồng yen đang bị định giá thấp và "có khả năng tăng giá" trong khoảng năm tới. Ông Bamba nói: "Điều đó không gây bất lợi cho thị trường chứng khoán".

Trong thời gian tới, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ chuyển từ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và giãn bớt các biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất. Dưới thời ông Kazuo Ueda, người được bổ nhiệm làm Thống đốc BoJ vào tháng 2/2023, ngân hàng này đã nới lỏng giới hạn chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, dẫn đến lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản chạm mức cao nhất trong 11 năm. Lợi suất trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đạt mức 0,956% vào ngày 1/11, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.

Tuy nhiên, ông Ueda đã tái khẳng định lập trường của mình rằng BoJ sẽ duy trì chính sách lãi suất âm cho đến khi mục tiêu lạm phát 2% có thể "đạt được một cách bền vững".

Lạm phát của Nhật Bản đã tăng lên trên 2% trong 19 tháng liên tiếp. Trong khi đó, lạm phát cốt lõi (không tính giá thực phẩm tươi sống và năng lượng) ở mức 4% trong tháng 10/2023, cao hơn mục tiêu 2% trong tháng thứ 13 liên tiếp.

Ông Ronald Temple, chiến lược gia trưởng tại công ty đầu tư Lazard Asset Management, cho biết trong báo cáo triển vọng năm 2024 rằng, với lịch sử giảm phát của Nhật Bản, lạm phát là điều đáng hoan nghênh và cho đến nay, tình hình vẫn có vẻ diễn biến tốt. Ông Temple cho biết, thị trường sẽ theo dõi thời điểm "kết thúc chính thức" quá trình kiểm soát đường cong lợi suất, và sau đó trọng tâm sẽ chuyển sang việc khi nào BoJ sẽ kết thúc chính sách lãi suất âm.

Về phần mình, chiến lược gia vĩ mô cấp cao Homin Lee tại Lombard Odier cho rằng năm 2024 sẽ là một năm "vững chắc" cho tăng trưởng tiền lương của Nhật Bản, đồng thời cho rằng nhu cầu lao động trong lĩnh vực dịch vụ rất mạnh và niềm tin của người lao động vào công đoàn của họ đang được củng cố.

Ông Lee nhấn mạnh rằng Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản ước tính các cuộc đàm phán lương vào mùa Xuân năm 2024 sẽ ghi nhận mức tăng lương cơ bản 5%. Tăng trưởng tiền lương tại Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, khiến ông Lee kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ tăng trưởng 1,2% vào năm 2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước