Thị trường Việt Nam hấp dẫn, không ai phủ nhận, nhưng cứ gia nhập là thành công thì chưa chắc. "Đại gia" bán lẻ một thời Parkson đóng cửa trung tâm thương mại thứ 4 tại Việt Nam. Thông tin này gây "chấn động" không nhỏ với ngành bán lẻ. Đây tiếp tục là câu chuyện kinh doanh nóng trên nhiều tờ báo số ra sáng 5/3.
Tờ Đầu tư cho rằng "cú ngã ngựa" của Parkson cho thấy thị trường bán lẻ tại Việt Nam vô cùng hấp dẫn nhưng quá khốc liệt trong bối cảnh hành vi của người tiêu dùng thay đổi chóng mặt.
Thêm chi phí để duy trì, mở rộng thêm các trung tâm thương mại nhằm chiếm lĩnh thị trường dài hạn. Ở điểm này, Parkson gặp nhiều thách thức khi miếng bánh phải chia có nhiều đối thủ mới hơn.
Tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam lại nhìn nhận, câu chuyện Parkson phải đóng cửa một số trung tâm thương mại theo mô hình cũ cho thấy bước chuyển của thị trường bán lẻ Việt Nam. Thị trường vẫn còn triển vọng, tuy nhiên, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi.
Bài báo cho rằng loại hình thương mại điện tử có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mô hình bán lẻ truyền thống. Intenet, thẻ tín dụng đã trở nên quen thuộc nên chẳng cần phải đến tận trung tâm thương mại.
Bảo thủ, chậm thay đổi sẽ dần bị loại thải bởi việc kinh doanh đơn điệu, chỉ bán hàng cao cấp là không phù hợp vì chỉ khoảng 10% dân số mới đủ tiền chi cho mặt hàng này.
Những thương hiệu bán lẻ đang thành công đều đang thể hiện sự linh động. Rõ nhất là việc ra đời những trung tâm mua sắm gồm cả 2 hình thức siêu thị bán lẻ hàng hiệu và trung tâm mua sắm tổng hợp.
Sự kết hợp linh hoạt giữa mua sắm với giải trí, ẩm thực cũng chứng tỏ sức hút khách hàng. Vừa cao cấp, vừa bình dân được xem là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Thay đổi hay là chết đang trở thành kim chỉ nam để tồn tại khi hành vi người tiêu dùng không hề đứng yên một chỗ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!