Cùng “xắn tay” đảm bảo cung ứng hàng hóa cho phía Nam

VTV Digital-Thứ tư, ngày 21/07/2021 12:49 GMT+7

VTV.vn - Các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp đang "xắn tay" cùng nhau đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa tại 19 tỉnh, thành phía Nam trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Hôm nay đã bước sang ngày thứ 3, 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16. Trong đó có những điểm nóng về tình hình dịch bệnh như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, hay Tiền Giang...

Nỗi lo của người dân về việc giảm nguồn cung, tăng giá bán thực phẩm thiết yếu, được thể hiện theo kiểu "cười ra nước mắt" qua những tấm ảnh lan truyền trên mạng xã hội. Người ta ví những bó rau củ quả giờ cũng chẳng thua kém những loài hoa đắt tiền. Tâm lý lo lắng là điều dễ hiểu, tuy nhiên, ghi nhận thực tế những ngày gần đây tại TP Hồ Chí Minh, tình hình mua thực phẩm thiết yếu của người dân đã ổn định hơn trước.

Linh hoạt cách đi chợ của người dân trong giãn cách

Mấy ngày nay, chị Vân (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã bớt lo lắng về việc mua thực phẩm hàng ngày. Thịt, cá đã dồi dào hơn, dù các loại rau xanh vẫn còn hạn chế. Nhiều điểm bán hàng lưu động được lập ra kịp thời, giải quyết vấn đề rau xanh cho bà con.

Cùng “xắn tay” đảm bảo cung ứng hàng hóa cho phía Nam - Ảnh 1.

Người dân TP Hồ Chí Minh đến siêu thị mua hàng (Ảnh: Dân trí)

Cảnh chen chúc tại các siêu thị đã phần nào được cải thiện. Người dân cũng đã linh động hơn, như bà Phượng (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) thiếu rau tại siêu thị, bà tìm mua được từ nhiều nguồn khác bên ngoài, về chia cho hàng xóm mỗi người một ít.

"Mình cần cái gì thì mua cái đó, nên tôi không lo lắng gì. Ngày nào siêu thị cũng có đồ, nếu không có món gì thì hỏi chú phụ trách", bà Phượng chia sẻ.

Dù vậy, việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành vẫn còn khó khăn, khiến tình trạng tăng giá, thiếu hàng cục bộ vẫn xảy ra.

Người dân có thể mua thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử, qua các app giao hàng, dịch vụ đi chợ hộ hay thậm chí cả bằng tem phiếu... Người dân có nhiều sự lựa chọn hơn so với trước, nhưng cùng chung mục tiêu là an toàn.

Các địa phương gỡ khó lưu thông hàng hóa

Để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trong vùng giãn cách 19 tỉnh, thành, một vấn đề đang rất được quan tâm lúc này là có thể không kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính, đối với tài xế chở hàng thiết yếu hay không? Bởi dù có "luồng xanh" đường bộ, công tác cấp giấy nhận diện luồng xanh thuận lợi, nhưng việc tài xế chở hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính để qua chốt kiểm tra, sau đó lại phải xét nghiệm thường xuyên, do giấy chỉ có hiệu lực trong 3 ngày, đã khiến thời gian, chi phí vận chuyển hàng bị đội lên.

Sau khi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chỉ đạo gỡ vướng lưu thông hàng hóa trong nội bộ vùng 19 tỉnh, thành này, theo tinh thần: lái xe, người đi cùng không cần có giấy xét nghiệm âm tính, hôm 19/7 vừa qua Bộ Y tế đã hỏa tốc ban hành quy định mới trong kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 với tài xế chở hàng.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu không kiểm tra giấy "thông hành" này đối với người chở hàng: chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị số 16.

Cùng “xắn tay” đảm bảo cung ứng hàng hóa cho phía Nam - Ảnh 2.

Xe vận tải hàng hóa sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất lưu thông, không để đứt gãy cung ứng hàng hóa. (Ảnh: TTXVN)

Dù vậy, ghi nhận trong 2 ngày qua, doanh nghiệp và các tài xế lại phản ánh rằng tình hình kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính vẫn diễn ra như cũ.

Trao đổi với phóng viên VTV, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Tổ trưởng Tổ công tác tiền phương tại phía Nam, cho biết có ghi nhận tình trạng này, tuy nhiên đến chiều tối qua (20/7), phần lớn 19 tỉnh, thành đã triển khai quy định của Bộ Y tế, về việc không kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 đối với các tài xế chở hàng trong nội vùng 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách.

Hôm qua, một số chốt kiểm dịch có tình trạng phương tiện di chuyển chậm, ùn ứ, vì một vài địa phương vẫn yêu cầu kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19, sau đó tình hình được cải thiện.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề xuất với các địa phương sẽ chỉ kiểm tra giấy xét nghiệm tại nơi bốc dỡ hàng hóa trước khi phương tiện ra khỏi các bến, cảng; còn trên suốt hành trình lưu thông, sẽ hạn chế tối đa việc kiểm tra này, để đảm bảo hàng hóa đến nơi tiêu thụ nhanh nhất.

Mở lại chợ truyền thống, tăng công suất chợ trực tuyến để bán hàng thiết yếu

Một nhóm giải pháp cũng rất quan trọng là việc lưu thông hàng từ đơn vị phân phối cho đến tay người dân cũng đang được triển khai quyết liệt hơn. Bởi theo văn bản Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ, lượng thực phẩm thiếu hụt mỗi ngày trên địa bàn đang ở mức 1.500 tấn rau, củ, quả và 400.000 trứng.

Tình hình khó khăn hơn, khi thời gian qua, phần lớn các chợ đầu mối, chợ truyền thống, điểm bán nhỏ lẻ tại TP Hồ Chí Minh phải đóng cửa để phòng dịch. Trong khi thông thường, kênh này "tải" đến khoảng hơn 70% lượng hàng đến tay người dân khiến các kênh hiện đại, như siêu thị, bị quá tải. Do đó, dần mở cửa lại chợ truyền thống sẽ là điều kiện tiên quyết, để giải bài toán này.

Ngay trong sáng nay (21/7), Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh vừa công bố danh sách 40 chợ truyền thống đang hoạt động trở lại. Đây là các chợ bán những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đủ điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh.

Cùng “xắn tay” đảm bảo cung ứng hàng hóa cho phía Nam - Ảnh 3.

Sở Công Thương thành phố đánh giá, hiện tình hình thiếu hụt thực phẩm đang dần được cải thiện. (Ảnh: Dân trí)

Các điều kiện bắt buộc để chợ được mở cửa là có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K; tổ chức mua bán theo cách tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán hàng đồng giá.

Việc dần mở cửa lại chợ truyền thống sẽ là điều kiện tiên quyết, để giải bài toán thiếu hụt lượng thực phẩm trên địa bàn.

Chợ thực phẩm An Đông vừa được cho phép mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa phòng dịch. Dự kiến trong tuần này sẽ có hơn 10 chợ truyền thống khác cũng được mở lại, trước mắt chỉ với các mặt hàng thiết yếu.

Để được hoạt động, các chợ phải có phương án tổ chức hoạt động luân phiên, tiểu thương có kết quả xét nghiệm âm tính.

"Trong quá trình mua hàng, mua ở sạp nào, vào thời gian nào thì người bán hàng sẽ ghi vào phiếu, sau đó ra chợ nộp lại cho Ban quản lý", ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng Ban quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông cho hay.

Chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng huy động mặt bằng sẵn có của hệ thống bưu điện, chuỗi nhà thuốc để tổ chức 1.000 địa điểm bán thực phẩm mới; bên cạnh đó phối hợp với các chợ trực tuyến để tăng công suất bán rau củ quả, khối lượng tải được dự kiến có thể lên đến cả trăm tấn rau, củ, quả.

Để khắc phục vấn đề nguồn cung, ngành công thương thành phố cũng đẩy mạnh kết nối với các địa phương miền Trung, Tây Nguyên để có thêm nhà cung ứng.

"Hiện chúng tôi kết nối với doanh nghiệp có nguồn cung hàng hóa để tự tổ chức đưa hàng hóa về, kết nối với các điểm bán, đưa thêm nguồn hàng để cung ứng cho người dân", Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết.

Sở Công Thương thành phố đánh giá, hiện tình hình thiếu hụt thực phẩm đang dần được cải thiện. Các hoạt động bán hàng mới sẽ duy trì cho đến khi hơn 200 chợ truyền thống hoạt động bình thường.

Trước bối cảnh áp dụng nguyên tắc Chỉ thị số 16 với 19 tỉnh, thành phía Nam, Bộ Công Thương khẳng định đã sẵn sàng kịch bản đủ hàng hóa, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho người dân. Trong mọi tình huống, hai ngành công thương và nông nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc men. Điều này cho thấy, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực hết mình và quyết liệt trong chỉ đạo, để bảo đảm lưu thông, phân phối hàng hóa. Do đó, người dân cũng cần bình tĩnh, không tích trữ hàng hóa quá nhiều so với nhu cầu. Đó cũng là hành động để góp phần vào công cuộc chống dịch.

ĐBSCL đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn giá ĐBSCL đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn giá

VTV.vn - Theo ghi nhận tại các địa phương khu vực ĐBSCL, hàng hóa thiết yếu cho người dân vẫn đang được đảm bảo, tình trạng tăng giá hay thiếu hàng chưa xảy ra.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước