Cuộc đua hạ lãi suất toàn cầu bắt đầu nóng lên

PV-Thứ sáu, ngày 14/06/2024 10:49 GMT+7

Fed đã công khai báo hiệu rằng sẽ chỉ có một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay

VTV.vn - Các ngân hàng trung ương lớn toàn cầu đang bắt đầu tham gia vào một cuộc đua giảm lãi suất, trong bối cảnh lạm phát dần hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế cần những "cú hích"

Các ngân hàng trung ương đua nhau hạ lãi suất

Kết thúc cuộc họp chính sách hôm 12/6, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,50%. Đây là lần thứ bảy cơ quan này "đóng băng" lãi suất và không nằm ngoài suy đoán trước đó của các nhà quan sát.

Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý mà các thị trường mong chờ đó là các nhà hoạch định chính sách của Fed đã công khai báo hiệu rằng sẽ chỉ có một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Mặc dù, dự báo này bị thu hẹp so với suy đoán về ba lần cắt giảm được đưa ra vào tháng 3/2024, nhưng phần nào cho thấy tín hiệu rõ ràng rằng Fed sẽ đảo ngược chính sách tiền tệ thắt chặt, mở ra một thời kỳ mới cho lãi suất.

Từ đầu năm nay, Thụy Điển đã trở thành quốc gia đầu tiên trong số 10 quốc gia và khu vực có đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới - bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Canada, Thụy Sỹ, Australia, Thụy Điển và Na Uy - tiến hành hạ lãi suất ngày 8/2. Tiếp theo là Thụy Sỹ vào ngày 21/3.

Đến ngày 5 và 6/6, liên tiếp hai trong số các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới là Ngân hàng trung ương Canada (BoC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng lần lượt hạ lãi suất. Cả hai ngân hàng này đều điều chỉnh giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Đây là lần đầu tiên BoC hạ lãi suất kể từ tháng 3/2020 và với ECB là lần đầu tiên kể năm 2019.

Các nhà lãnh đạo ECB nhấn mạnh việc giảm lãi suất là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo rằng lạm phát được duy trì gần mục tiêu 2%. Hội đồng điều hành ECB nêu rõ dựa trên đánh giá cập nhật về triển vọng và các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát cũng như chính sách tiền tệ, hội đồng cho rằng đã đến lúc điều chỉnh mức độ hạn chế của chính sách tiền tệ sau 9 tháng giữ lãi suất ổn định. Khởi động tiến trình hạ lãi suất sớm, ECB kỳ vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới vào thị trường nhà đất, đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng của EU.

Động thái mạnh mẽ của ECB cũng như BoC hay Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB)… củng cố kỳ vọng của các thị trường về phản ứng chính sách tiền tệ của Fed, bên cạnh các dữ liệu tích cực của nền kinh tế Mỹ.

Đánh giá về triển vọng hướng đi chính sách tiền tệ từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nhà quan sát cho rằng lãi suất sẽ không được điều chỉnh cho tới tháng 9. Việc Mỹ duy trì lãi suất cao vượt trội so với nhiều nước phát triển khác sẽ khiến dòng tiền bên ngoài đổ vào nước này, để hưởng lợi chênh lệnh lãi suất.

Sự gia tăng dòng tiền mặt đột ngột có thể đưa thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính đúng vào lúc Fed đang nỗ lực kiểm soát giá cả. Hiện tượng này sẽ khiến Fed gặp nhiều khó khăn hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và làm cản trở mục tiêu "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ, nếu tiếp tục giữ lãi suất cao, trong thời gian dài.

Cuộc đua hạ lãi suất toàn cầu bắt đầu nóng lên - Ảnh 1.

Fed sẽ đảo ngược chính sách tiền tệ thắt chặt, mở ra một thời kỳ mới cho lãi suất

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024

Trong bản dự báo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới năm 2024, phát hành ngày 11/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo về một kịch bản lãi suất "cao hơn trong thời gian dài".

Phó chuyên gia kinh tế trưởng tại WB Ayhan Kose nhận định, lãi suất tăng mạnh đã làm giảm lạm phát nhưng không gây ra tình trạng mất việc làm trên diện rộng và các gián đoạn khác ở Mỹ hoặc các nền kinh tế lớn khác. Ông nói: "Đó là tin tốt. Nhưng tin không tốt là chúng ta có thể bị mắc kẹt trong làn đường chậm".

WB đã điều chỉnh nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 từ ngưỡng dự báo 2,4% đưa ra hồi tháng 1/2024 lên thành 2,6% hiện nay. Tổ chức này cũng dự báo mức tăng trưởng toàn cầu là 2,7% trong cả năm 2025 và 2026. Nhưng các con số tăng trưởng này vẫn thấp so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 3,1% vào giai đoạn 2010-2019.

WB cũng dự báo rằng lãi suất toàn cầu trong ba năm tới sẽ vẫn gấp đôi mức trung bình giai đoạn 2000-2019, kìm hãm tốc độ tăng trưởng và gây thêm áp lực nợ đối với các quốc gia thị trường mới nổi đã vay bằng đồng USD.

Tại châu Âu, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có khả năng sẽ đóng băng lãi suất cơ bản tại cuộc họp vào ngày 20/6 cho tới trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2024. Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế, đặc biệt là giá cả tiêu dùng của Anh trong tháng 5/2024 đã chạm mức thấp nhất trong sáu tháng, làm tăng kỳ vọng về việc nước này sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Ngân hàng trung ương Na Uy dự kiến cũng sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9/2024, với duy nhất một lần cắt giảm trong năm nay, tỷ lệ là 0,5 điểm phần trăm.

Hai quốc gia còn lại trong số 10 quốc gia và khu vực có đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới dự kiến sẽ không sớm điều chỉnh lãi suất, ít nhất cho tới đầu năm 2025. Nhật Bản, nước có chính sách lãi suất đi ngược với phần còn lại của thế giới, lần đầu tiên sau 17 năm, đã tiến hành tăng lãi suất từ mức âm lên 0-0,1% vào tháng 3/2024. Trong khi, tại Australia, giá cả vẫn chưa ổn định để có thể tạo cơ sở vững chắc cho Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, tức ngân hàng trung ương) hành động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước