Nếu chỉ vài năm trước, thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các ứng dụng cung cấp dịch vụ kết nối trên nền tảng công nghệ, ứng dụng như đặt phòng hay ví điện tử thanh toán, tuy nhiên, cuộc đua giờ đã thay đổi khi các ứng dụng không còn cung cấp dịch vụ đơn lẻ mà thay vào đó là các siêu ứng dụng.
Sau 5 năm xâm nhập thị trường Việt Nam, Grab có thể là một ví dụ điển hình của siêu ứng dụng. Hơn 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) đã đổ vào Việt Nam để Grab trở thành một siêu ứng dụng.
Không chỉ Grab mà rất nhiều tay chơi khác như Zalo hay Now cũng đang trên cuộc đua siêu ứng dụng với hàng loạt dịch vụ. Phân tích điểm chung của 3 người chơi cũng chính là phần móng của siêu ứng dụng là tập hợp khách hàng lớn. Zalo với hơn 100 triệu người dùng, Grab tiết lộ cứ 2 trên 10 người Việt đã sử dụng dịch vụ của họ, còn Now ước tính có khoảng 8 triệu người dùng.
"Đốt tiền" cũng là cụm từ được nhắc đến trong cuộc đua siêu ứng dụng của Việt Nam bên cạnh yếu tố công nghệ. Theo thống kê được đưa ra tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại Điện tử, Việt Nam đang đứng vị trí á quân trong sử dụng ứng dụng tương tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm qua, nền kinh tế ứng dụng tương tác mạnh tạo ra 6,4 tỷ USD thặng dư tiêu dùng tại Việt Nam.
Ở một thị trường "giàu tiềm năng - nhiều đối thủ" như hiện nay, cuộc chiến xây dựng "siêu ứng dụng" được dự báo sẽ rất hấp dẫn trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!