Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã phải tìm mọi cách để ứng phó để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, cố gắng giữ chân khách hàng.
Phí logistics tăng tới 4 lần, nhưng giá sản phẩm không được tăng giá, một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết họ chỉ còn cách cắt giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, thay vì đẩy mạnh hàng vào thị trường Mỹ, Canada, họ tìm kiếm thêm thị trường gần hơn như: Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, để giảm chi phí vào logistics, dòng tiền quay vòng nhanh hơn.
"Phải rà soát các loại chi phí, tiết giảm tối đa các chi phí để bù đắp được một phần phí logistics", bà Ngô Thu Hồng,Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, cho biết.
Ngoài ra, họ còn chủ động cập nhật phí logistics theo tuần, từ đó một mặt tận dụng được thời điểm giá tốt, một mặt điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu phù hợp..
Đại diện các hãng tàu lý giải giá cước vận tải tăng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Với doanh nghiệp xuất khẩu khác, để ứng phó với việc khan hiếm container rỗng, họ phải đàm phán lại với khách hàng, linh động hơn về thời điểm giao hàng, không fix sẵn như trước.
"Doanh nghiệp nước ngoài họ hiểu tình hình dịch bệnh, nên khi đàm phán cũng không gặp khó khăn nhiều, họ không cứng nhắc, kể cả khách Mỹ hay khách Nhật", ông Nguyễn Xuân Biên, Giám đốc Xuất khẩu, Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, chia sẻ.
Về lâu dài, nếu chi phí logistic vẫn cao thì họ cũng phải tìm đến thị trường gần hơn, thậm chí tập trung vào thị trường nội địa, nhưng việc này không dễ và cần thời gian và nguồn lực lớn.
Liên quan đến việc giá cước vận tải tăng, đại diện các hãng tàu lý giải do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Họ cho rằng tình hình này còn kéo dài đến hết tháng 3, thậm chí có thể đến quý II năm nay do dịch bệnh vẫn phức tạp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!