Đó cũng là một trong những lý do cho tít bài Đã hết thời "tín dụng dễ dãi" trên tờ Diễn đàn Doanh nghiệp sáng 14/12.
Bài báo cho rằng, không chỉ năm nay, mà đây sẽ là xu hướng vài năm tới, khi lạm phát đang tăng trở lại và còn những yêu cầu khắt khe của chuẩn mực Basel II mà ngân hàng sẽ phải áp dụng triệt để sau 2 năm tới và bởi việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng là phù hợp với khuyến nghị của IMF.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, để lý giải cụ thể hơn, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tại thời điểm này đang cao hơn hầu hết so với các quốc gia cùng thu nhập. Nếu cứ giữ đà này, sau tầm 10 năm nữa, tỷ lệ tín dụng/GDP sẽ đạt mức 200%, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Thế nhưng, nếu nghĩ rằng lợi nhuận ngành ngân hàng vì thế mà chịu ảnh hưởng, bài viết: "Tăng trưởng tín dụng thấp mà vẫn lãi khủng" trên tờ Thời báo Kinh doanh sáng 14/12 sẽ lý giải nguyên nhân. Theo đó, các ngân hàng, thay vì chỉ phụ thuộc vào tín dụng, đều đã tìm được những "mỏ vàng" của riêng mình.
"Mỏ vàng" ở đây chính là các mảng dịch vụ và các thu nhập ngoài lãi khác. Điển hình như Vietcombank, theo dự báo, thu nhập ngoài lãi đạt mức tăng trưởng gần 50%, bao gồm cả các khoản thoái vốn. Techcombank cũng có hơn một nửa nguồn thu dịch vụ tới từ hoa hồng bảo hiểm. Hay ngân hàng nhỏ như Vietbank cũng đặt mục tiêu mảng dịch vụ đến năm 2020 sẽ chiếm tới 20% tổng doanh thu. Đây là những tín hiệu tốt cho thấy chất lượng thu nhập ngành ngành ngân hàng đang cải thiện.
Tuy nhiên, theo tờ Diễn đàn doanh nghiệp, nếu bạn là một doanh nghiệp, câu hỏi đặt ra sẽ là: "Thế còn chúng tôi thì sao?". Rõ ràng, tăng trưởng tín dụng thấp cũng đồng nghĩa với việc tiếp cận tín dụng sẽ khó hơn. Chưa kể mặt bằng lãi suất, với áp lực từ FED tăng lãi suất, cùng với quy định siết tỷ lệ vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn xuống còn 40% bắt đầu từ 2019, đa phần dự báo cho rằng lãi suất cho vay đang trong xu hướng tăng.
Điều này cũng có nghĩa, khi tín dụng đã không còn dễ dãi như trước, việc sử dụng vốn vay cũng buộc chặt chẽ hơn. Giải pháp bền vững cho doanh nghiệp là cần phải siết chặt kiểm soát dòng tiền hơn, đồng thời, cân nhắc phương án kinh doanh kỹ lưỡng hơn, thậm chí là tìm đến những nguồn vốn khác như vốn tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, phát hành trái phiếu, cổ phiếu... để giảm bớt mức độ phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!