Theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố, sản lượng công nghiệp tháng 4 đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 4,5% trong tháng 3. Lý do là bởi sự phục hồi và tăng tốc trong lĩnh vực sản xuất.
Con số 6,7% cũng vượt mức dự báo 5,5% trong cuộc thăm dò do hãng thông tấn Reuters tiến hành.
Tuy nhiên, doanh số bán lẻ, thước đo tiêu dùng, chỉ tăng 2,3% trong tháng 4, chậm lại so với mức tăng 3,1% trong tháng 3. Trước đó, các nhà phân tích dự đoán, doanh số bán lẻ sẽ tăng 3,8%.
Đầu tư tài sản cố định tăng 4,2% trong 4. thấp hơn một chút so với kỳ vọng 4,6% của các nhà phân tích. Chỉ số này đã tăng 4,5% trong ba tháng đầu tiên.
Theo Reuters những dữ liệu kinh tế mới được NBS công bố đã vẽ nên một bức tranh "hỗn hợp" nhiều mảng màu của kinh tế Trung Quốc trong tháng Tư.
Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong tháng 4 sau khi giảm trong tháng trước đó, trong khi giá tiêu dùng tăng tháng thứ ba liên tiếp. Đây đều là những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, hoạt động cho vay mới của ngân hàng trong tháng 4 đã giảm nhiều hơn dự kiến, so với tháng trước, trong khi tăng trưởng tín dụng trên diện rộng đạt mức thấp kỷ lục. Dữ liệu này khiến nhiều nhà phân tích dự báo sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế.
Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng cho năm 2024 là khoảng 5%. Theo tính toán, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 5,3% trong ba tháng đầu năm nay.
Đầu tư bất động sản từ tháng 1 đến hết tháng 4 giảm 9,8% so với cùng kỳ, sau khi giảm 9,5% trong quý I.
Những biện pháp thắt chặt quản lý cũng như nhiều yếu tố khác đã khiến lĩnh vực bất động sản gặp khó. Các thành phố lớn như Hàng Châu, quê hương của gã khổng lồ công nghệ Alibaba hay Tây An đều đã dỡ bỏ lệnh hạn chế mua nhà vào đầu tháng này. Đây được xem là những những nỗ lực mới nhất của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy doanh số bán nhà.
Giữa tuần, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, sẽ bắt đầu mở bán trái phiếu kho bạc có kỳ hạn siêu dài từ 20 đến 50 năm nhằm thúc đẩy kênh huy động vốn đầu tư phát triển cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây sẽ là lần thứ 4 Trung Quốc mở bán trái phiếu với quy mô lớn.
Theo thông báo đăng trên trang web của bộ, Chính phủ Trung Quốc sẽ bắt đầu phát hành đợt đầu tiên trái phiếu kỳ hạn 30 năm từ ngày 17/5.
Sau đó, sẽ phát hành tiếp trái phiếu có kỳ hạn 20 năm và 50 năm trong tháng 5 và tháng 6. Đây là chương trình bán trái phiếu có tổng giá trị 1.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương gần 140 tỷ USD. Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh, đây là một trong những giải pháp sẽ giúp hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm, có tầm chiến lược đối với tăng trưởng kinh tế.
Trái phiếu kho bạc siêu dài được đảm bảo bằng tín dụng quốc gia và có lợi thế là rủi ro thấp và thanh khoản mạnh. Ngoài ra, lợi suất cao hơn so với trái phiếu kho bạc ngắn và trung bình.
Lãnh đạo Viện Kế toán Quốc gia Trung Quốc cho rằng việc phát hành trái phiếu siêu dài sẽ thúc đẩy đầu tư xã hội, nhất là các lĩnh vực khoa học - công nghệ, tác động tích cực đến việc thu xếp vốn và ổn định tài chính của toàn bộ thị trường.
Việc phát hành trái phiếu sẽ giúp giảm chi phí tài chính dài hạn cho các dự án của chính phủ. Theo chuyên gia chiến lược cao cấp Hình Triệu Bằng của Ngân hàng ANZ, đợt phát hành trái phiếu siêu dài này có thể giúp Trung Quốc tăng trưởng kinh tế thêm 1 điểm phần trăm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!