Đã xuất hiện những tiếng nói tại Mỹ phản đối chương trình giám sát cá da trơn

Trường Sơn - Tô Dũng (Thường trú Đài THVN tại Mỹ)-Thứ tư, ngày 09/12/2015 21:52 GMT+7

VTV.vn - Liên quan đến "Quy định cuối cùng" về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc Bộ cá da trơn, đã xuất hiện những tiếng nói tại Mỹ phản đối.

Liên quan đến việc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa ban hành "Quy định cuối cùng" về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc Bộ cá da trơn, trong đó có cá tra, cá basa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, đã xuất hiện những tiếng nói tại Mỹ phản đối chương trình này. Theo chương trình giám sát, các nước, trong đó có Việt Nam, muốn xuất vào thị trường Mỹ sẽ phải thực hiện việc nuôi trồng, sản xuất, chế biến, vận chuyển cá tương đương các tiêu chuẩn mà Mỹ đang áp dụng. Chương trình mang nặng tính bảo hộ mậu dịch này được cho là sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các phóng viên Đài THVN tại Mỹ đã ghi nhận ý kiến của một số bên liên quan trước diễn biến này.

Viện Thủy sản Mỹ là tổ chức với thành viên là hàng trăm doanh nghiệp chế biến, phân phối hàng thủy sản. Chủ tịch Viện này cho biết, việc Bộ Nông nghiệp Mỹ triển khai chương trình giám sát theo thông báo mới được đăng tải sẽ gây lãng phí lớn. Từ trước đến nay, hoạt động nhập khẩu cá tra, basa vào Mỹ vẫn diễn ra bình thường, không cần thiết phải thay đổi. Chương trình giám sát khi thực hiện cũng sẽ làm giảm nguồn cung cá vào thị trường Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ phải mua cá đắt hơn. Như vậy, cả Mỹ lẫn các nước xuất khẩu cá, đặc biệt là Việt Nam, đều phải chịu thiệt hại.

Ngay từ khi khởi xướng, chương trình giám sát đã được coi là hành động bảo hộ mậu dịch cho ngành nuôi cá da trơn quy mô nhỏ ở một vài bang phía Nam của Mỹ. Theo quy định của chương trình giám sát, từ tháng 9/2017, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới mà phía Mỹ đặt ra. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh là giải pháp được nhắc đến lúc này.

Ông Đào Trần Nhân - Tham tán Công sứ Thương mại Việt Nam tại Mỹ - cho rằng: "Các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung chuyển đổi để đạt tiêu chuẩn tương đồng cũng như cung cấp thông tin, dữ liêu đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn cho Bộ Nông nghiệp Mỹ, để Bộ này xem xét cấp giấy phép đạt tiêu chuẩn tương đồng, để tiếp tục được xuất hàng sang thị trường Mỹ".

Còn ông John P.Connelly - Chủ tịch Viện Thủy sản Mỹ - cho biết: "Chúng tôi khuyến khích Chính phủ Việt Nam yêu cầu phía Mỹ tuân thủ theo những nghĩa vụ mà họ đã cam kết với WTO. Vì tôi tin chắc rằng, đây là một sự vi phạm nghiêm trọng những gì mà Mỹ đã cam kêt với WTO".

Từ trước tới nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ trung bình mất ít nhất 8 năm để xem xét cấp tiêu chuẩn tương đồng cho các nước xuất khẩu thịt lợn và thịt gia cầm vào Mỹ. Nhưng lần này, với cá da trơn, thời gian chuyển đổi chỉ là 1,5 năm.

Trước thông báo mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết đã phối hợp với Hiệp hội thủy sản Việt Nam và các cơ quan trong nước thuê luật sư chuẩn bị khởi kiện Chính phủ Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thương vụ Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản trong nước cần phối hợp với Hiệp hội thủy sản và các cơ quan hữu quan trong quá trình vụ kiện, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp mình.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước