Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả"

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 28/10/2022 10:01 GMT+7

VTV.vn - Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhấn mạnh giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển.

Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Phát biểu cho ý kiến, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng vấn đề xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả" cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Theo đại biểu, chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%.

Song thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng "hết xăng" tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên)

Xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Nên giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.

"Tôi cho rằng cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan", đại biểu Yên đề xuất.

Trước đó hôm 22/10, tại phiên thảo luận Tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (ĐBQH đoàn Hải Phòng) khẳng định: "Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu". Dư luận nói thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác.

Theo ông Diên, tới ngày 30/9, còn hàng dự trữ thương mại là hơn 1,25 triệu m3 xăng dầu; năng lực sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong tháng 10 đảm bảo 80% nguồn cung trong nước (1,7 - 1,75 triệu m3), tương đương 1,36 triệu m3. Tức là chúng ta có khoảng 2,6 triệu m3 xăng dầu.

Ngoài ra, 34 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trong tháng 10 khoảng 500.000 m3 xăng dầu. Tổng chung có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu trong thời điểm cuối tháng 9, giữa tháng 10; hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến hết giữa tháng 11. Trong khi sang tháng 11 lại tiếp tục sản xuất và nhập khẩu.

Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu

Liên quan đến tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt vấn đề: "Nguồn cung không thiếu, vậy tại sao thiếu hàng bán ra thị trường?". Theo ông Diên đó là việc doanh nghiệp phải nhập với giá cao ở kỳ trước, nhưng trong kỳ lại bán giá thấp, đương nhiên lỗ, mà đã lỗ thì không dám làm.

Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí định mức về xăng dầu đã lỗi thời, lạc hậu gây khó cho doanh nghiệp xăng dầu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, không phải tất cả nhưng thông thường doanh nghiệp làm xăng dầu đều có tham gia ít nhiều vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Khi tham gia vào lĩnh vực này, nguồn tiền cũng bị vơi đi, và đến kỳ nhập đúng thời điểm nhập cao, bán thấp, doanh nghiệp thường không còn tiền và không hấp dẫn…

Vào ngày hôm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp điều hành xăng dầu.

Ai không làm thì đứng sang một bên

Tiếp tục cho ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu vấn đề việc chậm giải ngân tại các công trình dự án trọng điểm quốc gia, công trình dự án quan trọng của địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia, hay việc chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội.

Theo đại biểu là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng, khi một trong các kênh phục hồi kinh tế quan trọng, là kích cầu đầu tư, chưa phát huy được hiệu quả tích cực của nó như đã được thiết kế và kỳ vọng.

Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả - Ảnh 3.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), việc chậm giải ngân tại các công trình dự án trọng điểm quốc gia, công trình dự án quan trọng... đang trở thành điểm nghẽn mới trong tăng trưởng

Bà Yên cho rằng việc giải ngân chậm một phần do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án; hay do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ. Tuy nhiên yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định.

"Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, nhưng cấp cơ sở thì tâm lý "e ngại", "sợ sai", "đùn đẩy", "sợ trách nhiệm"… như vậy thì làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển", bà Yên nhấn mạnh.

Theo bà Yên, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phê bình hiện tượng này và đã từng nói thẳng: "ai không làm thì đứng sang một bên". Tôi cho rằng, nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại.

Cho nên, tôi mong rằng Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể.

Cần cân đối thực tế các nguồn thu trong 2023

Phát biểu góp ý tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo đạo biểu, nền kinh tế đã được bắt đầu hồi phục khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đã dần được ổn định và hoạt động có hiệu quả, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tổng thu ngân sách vượt dự toán rất cao, tăng hơn 14% so với dự toán. Đáng chú ý là doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 163.000 doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả - Ảnh 4.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Tuy nhiên, đại biểu Hòa cho rằng, cơ cấu ngân sách nhà nước chưa vững chắc, nguồn thu từ đất, từ thuế thu nhập cá nhân, vẫn còn rất lớn. Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh chỉ bằng 1/3 tổng nguồn thu, trong đó có thu từ dầu hỏa. Mặc dù các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng có địa phương thu rất cao, có địa phương thu thấp.

Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn trong việc dự toán thu từ sử dụng đất, thu từ các nguồn thu và  cần có sự cân đối thực tế để có sự phấn đấu, tránh những trường hợp dự toán thấp để vượt thu, hưởng tỷ lệ cho địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước