Đảm bảo đầy đủ hàng hóa, an toàn sản xuất trong mùa dịch COVID-19

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 24/07/2021 12:25 GMT+7

VTV.vn - Việc đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân; chú trọng an toàn trong sản xuất là những vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm trong bối cảnh dịch COVID-19.

Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16

Bắt đầu từ 6h hôm nay (24/7), Hà Nội đã chính thức áp dụng Chỉ thị 16 với các biện pháp chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát tốt nhất diễn biến của dịch bệnh.

Hà Nội sẽ cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.

Đảm bảo đầy đủ hàng hóa, an toàn sản xuất trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành Chỉ thị 17/CT-UBND thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn Thành phố trong vòng 15 ngày, kể từ 06h00 ngày 24/7/2021 theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: TTXVN)

Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chính quyền yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

Chỉ thị cũng nêu rõ cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn. Để tránh tâm lý lo lắng của người dân như những lần thực hiện giãn cách trước, Sở Công Thương Hà Nội đã tái khẳng định: "Trong bất kỳ tình huống nào, lượng hàng hóa cũng đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng".

Hà Nội đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân

Chỉ thị 16 là bước cao hơn so với Chỉ thị 15 nhằm kiểm soát chặt dịch bệnh. Tuần qua, Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị 15 và cũng cho thấy việc mua bán hàng hóa của người dân diễn ra bình thường, không khan hiếm hay đội giá hàng hóa.

Dù vậy, tối qua (23/7) hay sáng nay, nhiều người dân vẫn giữ tâm lý là phải tích trữ hàng hóa. Nhìn lại câu chuyện của tuần qua tại Hà Nội, rõ ràng điều này là không cần thiết khi chính quyền đã có sự sẵn sàng cho mọi tình huống dù là áp dụng Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16.

Đảm bảo đầy đủ hàng hóa, an toàn sản xuất trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp tại Hà Nội đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30 - 50% để phục vụ nhu cầu của người dân. (Ảnh: TTXVN)

Được biết, trước thời điểm thực hiện Chỉ thị 15 vào tuần trước, không ít người cũng đã đổ xô đi mua hàng hóa để tích trữ, nhưng rõ ràng điều này là không cần thiết.

Để tránh những lo lắng không đáng có, Sở Công Thương Hà Nội đã lập tức có thông tin về việc đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 vào chiều 18/7, tức ngay thời điểm Hà Nội thông báo về việc thực hiện Chỉ thị 15.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30 - 50% trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu). Nếu trong điều kiện sức mua tăng nóng trong một vài ngày, khả năng cung ứng hàng hóa vẫn dồi dào, ít nhất trong 7 - 9 ngày, sau đó tiếp tục ổn định theo chuỗi cung ứng mới cho người dân.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một khu chợ truyền thống, việc mua bán hàng hóa vẫn đang diễn ra bình thường. Các mặt hàng thiết yếu đều có sẵn từ rau củ quả, thực phẩm tươi sống cho đến đồ khô. Giá cả các mặt hàng vẫn không có gì biến động.

"Hàng hóa vẫn sẵn có, giá cả không có gì thay đổi, cũng không phải tích trữ hàng", bà Nguyễn Thị Hoa (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết.

"Một tuần chị đi chợ 2 lần, giá cả hàng hóa chỉ nhích lên chút ít, không đáng kể. Hàng hóa đầy đủ, không thiếu", bà Phạm Thị Lan (Núi Trúc, Hà Nội) cho hay.

Nếu muốn mua hàng thiết yếu vào buổi tối thì như thế nào? Điều này người dân cũng có thể hoàn toàn yên tâm. Ghi nhận tại một siêu thị mini ở khu phố cổ ở Hà Nội, siêu thị này vốn chủ yếu phục vụ cho khách du lịch, thế nhưng, đợt dịch này, lượng hàng hóa thiết yếu được bổ sung gấp 4 - 5 lần để phục vụ cho bà con phố cổ tiện lợi mua sắm mà không phải đi xa, đặc biệt là phục vụ tới 10h đêm.

"Chúng tôi có 28 trung tâm thương mại, 128 siêu thị, 141 chuỗi, trên 1.000 cửa hàng tiện lợi. Từ siêu thị lớn đến chuỗi cửa hàng tiện lợi đều đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân", bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết.

Với các phương án kịch bản của Sở Công Thương Hà Nội, hàng hóa thực phẩm vẫn đủ cung ứng sẵn sàng cho người dân. Tuy nhiên, mỗi người dân hãy cùng nêu cao ý thức mua đủ nhu cầu cần dùng, tránh tâm lý tích trữ không cần thiết.

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, tuần qua, việc mua thực phẩm thiết yếu của người dân đã ổn định hơn trước khi nhiều kênh phân phối hàng hóa đã được triển khai.

TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều kênh phân phối hàng thiết yếu đến người dân

Mặt bằng sẵn có của hệ thống bưu điện, chuỗi nhà thuốc được tận dụng để tổ chức 1.000 địa điểm bán thực phẩm mới. Các chợ trực tuyến cũng tăng công suất bán rau, củ, quả, khối lượng tải được dự kiến có thể lên đến cả trăm tấn rau, củ, quả.

Đồng thời, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đang từng bước cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại. Đây là giải pháp được nhận định là trọng yếu trong đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, bởi kênh phân phối truyền thống vốn chiếm hơn 70% lượng hàng đến người dân.

Đảm bảo đầy đủ hàng hóa, an toàn sản xuất trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Người tiêu dùng chọn mua rau, củ, quả tại siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Ngành Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh đẩy mạnh kết nối với các địa phương để có thêm nhà cung ứng. Chỉ tính riêng Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, 4 tỉnh này có thể cung ứng thịt 40.000 tấn, rau 50.000 tấn, trên 1 triệu quả trứng mỗi ngày cho TP Hồ Chí Minh. Có thể thấy nguồn hàng không thiếu, tuy nhiên điều quan trọng nằm ở khâu vận chuyển. Điều này cũng đã dần được tháo gỡ.

Triển khai "luồng xanh" đường thủy vận chuyển hàng hóa đến TP Hồ Chí Minh

Lần đầu tiên gần 20 tấn rau, dưa leo, dưa hấu... đã được vận chuyển từ Tiền Giang về TP Hồ Chí Minh theo "luồng xanh" đường thủy bằng các con tàu cao tốc du lịch.

Đại diện doanh nghiệp biết, chỉ mất chưa đến 3 ngày từ lúc đơn vị đề xuất cho đến khi các bộ, ngành, địa phương phê duyệt "luồng xanh" này góp phần giảm tải cho lưu thông hàng hóa thiết yếu đường bộ.

"Vận chuyển bằng tàu có thuận lợi hơn rất nhiều khi chúng ta chỉ có một đầu đi và một đầu đến nên sẽ không bị gián đoạn bởi những trạm kiểm soát. Với 5 chiếc tàu, chúng tôi có thể vận chuyển được 100 tấn cho một vòng tàu", Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh GreenlinesDP Trần Song Hải chia sẻ.

Đó là đầy đủ và đảm bảo được câu chuyện về thực phẩm. Còn vấn đề an toàn trong sản xuất ở các địa phương trong bối cảnh sự trở lại của dịch bệnh lần thứ 4 đã tấn công vào các khu công nghiệp là bài toán nan giải đang được các địa phương tính tới bởi khi các nhà máy, các khu công nghiệp phải đóng cửa cũng đồng nghĩa nhiều chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy.

Đứng trước thách thức số ca mắc COVID-19 liên tục tăng nhanh, đặc biệt là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn 1 trong 2 giải pháp. Một là doanh nghiệp đảm bảo vừa sản xuất vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ": sản xuất - ăn uống - nghỉ ngơi. Hai là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện "1 cung đường - 2 địa điểm", tức là duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi ở đến nơi sản xuất

Tuy nhiên dù đã rất cố gắng co kéo, nhưng khi nguồn lực có hạn, các doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít khó khăn.

Doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai mô hình "3 tại chỗ"

Ghi nhận tại Công ty TNHH Viking Việt Nam, phòng họp, căng tin…, ban ngày làm việc, sinh hoạt chung, buổi tối co lại tận dụng làm chỗ ngủ cho công nhân. Mỗi chỗ nghỉ cách nhau tối thiểu 2m. Tuy nhiên, công ty may mặc này chỉ có thể đáp ứng được 50% lượng công nhân ở lại làm việc. Trong khi đây là thời gian cao điểm để hoàn thiện nốt các đơn hàng đã ký.

"Đối với các công ty dệt may, đây là mùa cao điểm, nên chúng tôi rất cân nhắc và chần chừ khi quyết định bao nhiêu % cán bộ công nhân viên ở lại nhà máy để làm. Trong điều kiện như bây giờ, 100% là chuyện không thể. Do đó, chỉ có thể là 50%, lúc đó tùy thứ tự ưu tiên khách hàng, một số đơn hàng bất đắc dĩ chúng tôi phải hủy", Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam Lê Nguyên Trang Nhã cho hay.

Còn đối với công ty sản xuất nước giải khát Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), mặc dù có lợi thế về diện tích để làm khu lưu trú hay nguồn thực phẩm, nhưng chi phí xịt khử trùng, vệ sinh nhà máy bị đội lên 5 lần so với trước. Chưa kể, chi phí nguyên liệu đầu vào cùng với việc lo chỗ ăn, ở cho gần 300 công nhận cũng là áp lực lớn cho doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, với những doanh nghiệp không thể bố trí ăn ngủ tại chỗ, khó khăn, áp lực còn lớn hơn. Doanh nghiệp phải thuê các khách sạn gần nhà máy. Bên cạnh đó, do số lượng công nhân lớn nên việc lo nguồn thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn.

Đảm bảo đầy đủ hàng hóa, an toàn sản xuất trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử ở TP Thủ Dầu Một thực hiện "3 tại chỗ" cho 700 người lao động. (Ảnh: TTXVN)

Chúng ta đã có những bài học cách đây không lâu từ Bắc Ninh và Bắc Giang. Từng là tâm dịch phải tạm dừng hàng loạt khu công nghiệp, nay 2 tỉnh này đã khôi phục, vẫn tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa tiếp tục phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Doanh nghiệp không muốn dừng sản xuất bởi thiệt hại là rất lớn. Với số lượng công nhân ngoại tỉnh lên tới hàng chục nghìn, nếu không đóng cửa thì hậu quả dịch bệnh là khôn lường. Do đó phương châm "3 tại chỗ" là lời giải cho bài toán này.

Kinh nghiệm sản xuất "3 tại chỗ" của Bắc Ninh, Bắc Giang

"Huy động toàn bộ trường, cơ sở mầm non đến các trường trung học để hỗ trợ cho doanh nghiệp không thể bố trí được cho công nhân lao động ăn nghỉ tại doanh nghiệp. Ví dụ Sam sung Display được bố trí hỗ trợ 18.000 chỗ ở tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi đã có nhận được sự đồng thuận rất lớn của doanh nghiệp và người lao động cùng chính quyền để thực hiện được mục tiêu 3 tại chỗ", Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết.

"Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Bắc Giang là xác định hỗ trợ cho doanh nghiệp và lấy quyền lợi của doanh nghiệp làm trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bắc Giang đã thành lập tổ công tác phòng chống dịch để hướng dẫn các doanh nghiệp; đồng thời thành lập các bộ phận thường trực xuống các ban quản lý khu công nghiệp để kiểm tra các doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động 3 tại chỗ không và hướng dẫn cho các doanh nghiệp. Sau đó, các doanh nghiệp thấy phù hợp và nhiều công nhân còn làm tăng ca", Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái chia sẻ.

Hiện các khu công nghiệp tại 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã có kế hoạch tuyển dụng cao từ nay đến cuối năm với nhu cầu lên đến 80.000 - 100.000 lao động.

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng lao động

Một cách thức tuyển dụng mới đang được Công ty TNHH Hadabi Vina thực hiện và cả ứng viên cũng chấp nhận, đó là các ứng viên phải test nhanh, đồng ý vào ăn, ở, làm việc tại nhà máy ngay sau khi được tuyển.

"Chúng tôi vẫn liên tục tuyển dụng lao động dù biết rằng sẽ tốn kém hơn vào lúc này nhưng nếu không tuyển thì không đủ người làm, lượng đơn hàng tăng và công ty đang mở rộng sản xuất. Thời điểm này, tuyển lao động phổ thông đã khó nhưng tuyển lao động có tay nghề còn khó hơn nhiều. Năm nay chúng tôi sẽ tuyển dụng khoảng 1.000 lao động phổ thông và 300 lao động có nghề trình độ cao đẳng", Giám đốc Công ty TNHH Hadabi Vina Oh Do Yeun cho biết.

Sau khi được phép hoạt động trở lại 2 ngày, công ty này đã có cuộc phỏng vấn tuyển dụng lao động đầu tiên. Các lao động đạt yêu cầu sẽ được đi làm ngay.

Ngay trong lúc dịch, công ty vẫn tiến hành phòng vấn trực tuyến để tìm kiếm lao động kỹ thuật vốn đang rất thiếu. Đây là nguồn lao động dự trữ cần thiết khi nhà máy tăng tốc sản xuất trở lại.

Trong tình hình mới khi dịch COVID-19 có những biến chủng vô cùng nguy hiểm lại tiếp tục đặt các nhà quản lý, các doanh nghiệp có các chiến lược ứng phó linh hoạt hơn để đảm bảo được sự đầy đủ và an toàn trong dịch bệnh như thời gian qua.

Đó không chỉ là áp lực của riêng quốc gia nào, bởi biến chủng Delta đang kéo các quốc gia vào một làn sóng khủng hoảng mới. Ngay cả những quốc gia phát triển nhất với lượng vaccine được tiêm dồi dào nhất như Mỹ hay châu Âu cũng đang đứng trước mối đe dọa không thể dự báo trước, buộc họ phải có những tính toán và kỳ vọng mới cho nên kinh tế của mình vào nửa cuối năm 2021 này.

Doanh nghiệp bưu chính lớn đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu cho vùng dịch Doanh nghiệp bưu chính lớn đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu cho vùng dịch

VTV.vn - Vietnam Post và Viettel Post chịu trách nhiệm chính, chủ động bố trí phương tiện vận chuyển, kho bãi để bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước