Ngành gỗ trong giai đoạn vừa qua có bước tiến vượt bậc, xuất khẩu tăng, đa dạng mặt hàng cung ứng trên thị trường thế giới. Tuy nhiên hiện nay, thị trường chủ lực của gỗ Việt Nam xuất khẩu là Hoa Kỳ đang chứng kiến sức mua của người dân yếu hơn. Xu hướng ngắn hạn này tác động khiến một số sản phẩm đồ gỗ nội thất, gỗ dán… đầu năm xuất khẩu chậm.
Đầu năm, xuất khẩu ngành gỗ lớn nhất là mặt hàng dăm gỗ, xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… để làm giấy và viên nén để sử dụng trong nhà máy nhiệt điện.
Tại cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa, các hoạt động nhập, bốc xếp mặt hàng dăm gỗ để xuất khẩu liên tục diễn ra. Đầu năm nay, dăm gỗ và viên nén, 2 mặt hàng đóng góp khoảng 1/4 giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ năm vừa qua, đang đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu của ngành gỗ.
"Đầu năm nay, gỗ xẻ và ván bóc đang chững lại. Tuy nhiên, dăm gỗ vẫn đang xuất khẩu được, chính vì vậy ngành dăm gỗ vẫn đang tiếp tục gánh sản lượng gỗ xẻ, ván bóc chưa tiêu thụ được để chuyển sang dăm gỗ, đảm bảo sinh kế cho người trồng rừng", ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Thanh Hóa, cho biết.
Dăm gỗ và viên nén đang đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu của ngành gỗ đầu năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
So với năm trước, giá viên nén và dăm gỗ thế giới cũng tăng nhẹ. "So với các năm trước, giá trị viên nén năm 2023 có chiều hướng tăng 10 - 15% so với các năm trước", ông Lê Đức Thái, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Văn Lang Yufukuya, thông tin.
Mặc dù 2 mặt hàng xuất khẩu khá tích cực, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu của 2 mặt hàng này không quá lớn. Ngành gỗ đang tìm kiếm đơn hàng cho các mặt hàng đồ gỗ, gỗ dán...
"Năm 2023, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD. Trong những tháng đầu năm, ngành gỗ vẫn tăng trưởng nhờ sản phẩm viên nén và dăm gỗ. Để thúc đẩy các sản phẩm chế biến sâu xuất khẩu, ngành gỗ đang tiến hàng đồng loạt các giải pháp, đặc biệt là xúc tiến thương mại. Không có gì thay đổi tháng 2 này sẽ tổ chức hội chợ tại TP Hồ Chí Minh, tháng 8 tổ chức hội chợ tại Bình Dương", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho hay.
Ngoài ra, các giải pháp phát triển số hóa hệ thống dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc gỗ, các hoạt động tái cấu trúc ngành phù hợp với thị trường năm nay cũng đang được ngành gỗ tích cực triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!