Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Chính phủ. Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất ban hành Luật Thuế bất động sản, trong đó quy định đánh thuế căn hộ chung cư.
Cụ thể, đối với nhà chung cư, bao gồm cả đất xây dựng nhà chung cư, Bộ Tư pháp đề nghị quy định ngưỡng chịu thuế đối với nhà chung cư đảm bảo điều tiết thấp đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà chung cư bình dân để không ảnh hưởng tới cung - cầu thị trường bất động sản và hạn chế tác động đến phân khúc căn hộ bình dân. Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ thuộc đối tượng miễn thuế.
Tuy nhiên, thuế bất động sản sẽ thực hiện điều tiết cao đối với căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư.
Bộ Tư pháp cũng đề xuất quy định mức thuế suất cao (bằng mức thuế suất cao nhất trong biểu thuế đang dự kiến áp dụng đối với đất ở) đối với nhà, đất lấn chiếm; nhà, đất bỏ trống; nhà, đất chưa đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng theo đúng quy định; nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích.
Bộ Tư pháp đề xuất đánh thuế với nhà ở, căn hộ chung cư cao cấp có giá trên 50 triệu đồng/m2 (Ảnh minh họa: Hà Phong).
Đồng tình với đề nghị đánh thuế cao với căn hộ chung cư có giá trị trên 50 triệu đồng/m2, chuyên gia tài chính - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thực tế, căn hộ chung cư có giá hơn 50 triệu đồng/m2 trở lên được hiểu là một tài sản lớn, nhà ở có giá trị cao. Và việc đánh thuế căn hộ có giá trị cao là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, không chỉ căn cứ vào mức giá trên 50 triệu đồng/m2, cơ quan chức năng cần xem xét diện tích căn hộ đó là bao nhiêu. Từ đó mới có thể tính ra được giá trị tài sản đó là bao nhiêu và có phương án đánh thuế cho phù hợp.
"Một căn hộ chung cư ở vùng trung tâm có giá 50 triệu đồng/m2 nhưng chỉ có diện tích 50m2, thì tổng giá trị chỉ có 2,5 tỷ đồng. Còn một căn hộ ngoài trung tâm giá 30 triệu đồng/m2, nhưng diện tích 120m2, thì giá trị căn hộ lên tới 3,6 tỷ đồng", ông Thịnh lấy ví dụ.
Do đó, ông Thịnh cho rằng, việc đánh thuế nhà ở cần phải hướng tới giá trị tài sản. "Trên thế giới, họ đánh thuế theo giá trị tài sản là chủ yếu. Còn nếu chúng ta đang hướng tới quy định theo mức giá mà không xác định rõ được giá trị tài sản nhà ở đó thì sẽ không được sát thực tế", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, việc đánh thuế được xác định trên tổng giá trị căn hộ sẽ hợp lý hơn (Ảnh minh họa: Hà Phong).
Còn theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, thuế là công cụ giúp thị trường ổn định, thu thuế nhà ở là xu thế là tất yếu. Tuy nhiên, cần xây dựng lộ trình đánh thuế từng bước, không nên tạo "cú sốc" đột ngột khiến thị trường triệt tiêu cơ hội phát triển.
"Đối tượng có thu nhập thấp, sở hữu giá trị nhà ở thấp cần được ưu tiên. Còn người sở hữu nhà giá trị lớn phải đánh thuế cao là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cần có lộ trình", ông Điệp nêu.
Liên quan tới việc thu thuế bất động sản, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, cần có lộ trình và chọn thời điểm thích hợp. Thuế bất động sản, thuế nhà ở nếu được thông qua thì phải giữ nguyên tắc không phải tăng thuế trên tài sản mà là cải cách thuế trên tài sản. Tức là thuế này không đánh vào người nghèo mà đánh vào hoạt động đầu cơ, tích trữ nhà ở.
Do vậy, theo ông Võ, nội dung của luật phải đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ 2 và nhà có giá trị cao. Đồng thời, ông Võ cho rằng cần tăng thuế đất lên một mức độ nhất định.
Một số ý kiến khác thì cho rằng việc đánh thuế bất động sản có thể tác động vào giá bán nhà. Hiện tại, doanh nghiệp bất động sản đang phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 20% và được tính trong giá bán. Do đó, đánh thuế căn hộ chỉ nên áp dụng với căn hộ thứ hai trở đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!