Dầu Brent giảm sau 4 tuần tăng giá liên tiếp

PV-Thứ hai, ngày 15/07/2024 14:37 GMT+7

VTV.vn - Trên thị trường năng lượng, các hợp đồng dầu thô tương lai giảm kết thúc tuần qua, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp.

Trên thị trường năng lượng, các hợp đồng dầu thô tương lai giảm kết thúc tuần qua, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp. Như vậy, dầu Brent giao tháng 9 đang được giao dịch quanh mức 85 USD/thùng, còn dầu WTI giao tháng 8 là hơn 82 USD/thùng.

Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phát đi những thông điệp trái ngược nhau về xu hướng nhu cầu trong năm nay là một trong những nguyên khiến giá dầu quay đầu giảm.

Bên cạnh đó, nhu cầu dầu tại Trung Quốc yếu cũng là một lo ngại, sau khi dữ liệu nhập khẩu hàng hóa tháng 6 của nước này cho thấy mức giảm mạnh nhất 4 tháng.

Dầu Brent giảm sau 4 tuần tăng giá liên tiếp - Ảnh 1.

Nhu cầu dầu tại Trung Quốc yếu cũng là một lo ngại

Báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ của IEA cho biết, nhu cầu dầu chỉ tăng 710.000 thùng/ngày trong quý II/2024, tốc độ chậm nhất trong hơn một năm. Đáng chú ý, tiêu thụ dầu ở Trung Quốc - động lực tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu từ lâu - đã giảm trong cả tháng 4 và tháng 5.

Nhu cầu của Trung Quốc trong quý II/2024 cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, thời kỳ nhu cầu năng lượng được hưởng lợi từ việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch COVID-19. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ của thị trường bất động sản, tiêu dùng suy yếu, dân số già hóa và căng thẳng địa chính trị.

IEA đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc trong năm nay khoảng 0,2 triệu thùng/ngày, xuống còn 17 triệu thùng/ngày. Mức tăng nhu cầu của Trung Quốc chậm lại còn 0,3 triệu thùng/ngày vào năm 2025, giảm 0,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Theo IEA, việc trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch và tăng trưởng yếu cũng sẽ khiến ảnh hưởng của Trung Quốc trong tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu giảm, từ đóng góp khoảng 70% mức tăng năm ngoái xuống còn 40% trong năm nay và năm tới.

Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Brazil sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, trong khi các nền kinh tế tiên tiến trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ghi nhận mức tiêu thụ giảm.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy, Gary Cunningham, cho rằng số liệu lạm phát đã kéo chỉ số USD giảm, từ đó hỗ trợ giá dầu. Đồng bạc xanh giảm giá có thể làm tăng nhu cầu của những người mua bằng các đồng tiền khác.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes ngày 12/7 cho biết số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm một giàn xuống còn 478 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước