Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.
Theo lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, mặc dù đã hết thời hạn nộp tiền đấu giá nhưng theo quy định hết 120 ngày mới hủy kết quả phiên đấu giá nên huyện vẫn chưa có phương án và thời hạn đấu giá lại.
"Sau khi có báo cáo của cơ quan thuế, phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND huyện ra quyết định hủy công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 56 trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ tài chính", đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai cho biết.
Như tin đã đưa, ngày 10/8, huyện Thanh Oai đã mở phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Các thửa đất có diện tích từ 60 - 85 m2, giá khởi điểm từ 8,667 - 12,575 triệu đồng/m2. Tổng số hồ sơ đấu giá được bán ra là 4.210 bộ; trong đó có 3.923 bộ đủ điều kiện của 1.439 khách hàng.
Trong số đó có nhiều lô đất có giá trúng cao gấp 6 - 8 lần giá khởi điểm (tương ứng số tiền chênh 5 - 7 tỷ đồng/lô đất). Điều này đã tạo ra một "kỷ lục mới" cho giá đất ở ngoại thành Thủ đô - khi giá trúng đấu giá dao động từ 51,767 triệu đồng/m2 đến 100,575 triệu đồng/m2. Cụ thể, có 30 thửa đất có giá trúng từ 82 triệu đồng/m2; khoảng 15 lô có giá khởi điểm từ 955 triệu đồng/lô nhưng sau khi đấu giá chênh đến 7 tỷ đồng/lô.
Điều bất thường là ngay sau phiên đấu giá, tại trang batdongsan.com.vn đã có nhiều lô đất được rao bán với giá chênh từ 300-500 triệu đồng/lô. Có gia đình tham gia trúng 7 lô đất; trong đó có lô trúng giá cao nhất 100,5 triệu đồng/m2 (gấp 8 lần so với giá khởi điểm) được môi giới rao bán chênh 1 tỷ đồng… Trước đó, mặc dù phiên đấu giá chưa diễn ra nhưng trên trang batdongsan.com.vn đã có nhiều người đăng thông tin bán các thửa đất ở đây với giá bán trúng đấu giá cộng số tiền chênh chào bán "cực rẻ" để thu hút khách quan tâm.
Trước những thông tin của dư luận về kết quả phiên đấu giá, ngày 14/8, UBND huyện Thanh Oai đã có Báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội và các Sở (Tài nguyên và Môi trường, Tài chính) báo cáo về quá trình triển khai dự án; xác định giá khởi điểm và tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao.
Phó Chủ tịch huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển khẳng định: Huyện đã tổ chức triển khai dự án; xác định giá khởi điểm và tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở theo đúng theo quy định của pháp luật, cuộc đấu giá được tổ chức trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan.
Cũng trên địa bàn Hà Nội, tiếp tục sức "nóng" tại phiên đấu giá đất ở huyện Thanh Oai là phiên đấu giá 19 lô đất thuộc lô LK03 và LK04 tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức ngày 20/8.
Phiên đấu giá này đã lập "kỷ lục mới" về thời gian đấu giá, kéo dài từ 8h sáng đến hơn 4 giờ sáng hôm sau mới kết thúc với 517 khách hàng tham gia, đăng ký 1.100 bộ hồ sơ.
Điều bất thường là với mức giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, sau hàng chục vòng đấu giá khốc liệt, phiên đấu giá tại Hoài Đức đã xác định được giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2 (tăng hơn 18 lần so với giá khởi điểm); giá trúng thấp nhất 91,3 triệu đồng/1m2 (tăng 12,5 lần giá khởi điểm). Phiên đấu giá diễn ra vô cùng căng thẳng, hồi hộp và mệt mỏi đối với cả đơn vị tổ chức và người đấu giá.
Trước sự bất thường của 2 phiên đấu giá trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 82/CÐ-TTg ngày 21/8/2024 về việc kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát, đánh giá, tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp.
Theo Thứ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, trước khi nhận được Công điện của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội rà soát, xem xét, đánh giá các cuộc đấu giá đó và thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bước đầu cho thấy, các địa phương đã có các hoạt động nhằm kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá quyền sử dụng đất trước khi tổ chức đấu giá, như thành lập tổ chức giám sát, bố trí lực lượng Công an đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi có kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và phản ánh của báo chí, dư luận, UBND các huyện đã chủ động chỉ đạo rà soát, nắm bắt tình hình giao dịch trên địa bàn, đặc biệt đối với các lô đất trúng đấu giá.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khẳng định: Việc trúng đấu giá tăng cao so với giá khởi điểm là đúng thực tế" với nguyên nhân thứ nhất là cộng hưởng của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan về xu hướng tăng giá chung của thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi và ghi nhận số lượng giá giao dịch tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp từ đầu năm 2024.
Đặc biệt, đối với các bất động sản có pháp lý rõ ràng, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thuộc các khu vực quy hoạch phát triển đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như huyện Hoài Đức và Thanh Oai thu hút nhà đầu tư và người dân tham gia.
Một nguyên nhân nữa là phiên đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra trong thời điểm giao thoa giữa Luật Đất đai 2013 hết hiệu lực và Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực, do vậy, quá trình tổ chức đấu giá xuất phát từ những quy định của luật cũ và chuyển sang luật mới.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội xác định nguyên nhân cụ thể và đã có văn bản gửi các cơ quan có liên quan. Trên cơ sở các thông tin, tài liệu, Bộ sẽ có buổi làm việc, đảm bảo có sự đánh giá tác động nhiều chiều, ý kiến của nhiều cơ quan trên cơ sở quy định của pháp luật để tìm ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi đánh giá nếu phát hiện lỗi từ cơ chế, chính sách và có tính phổ quát, phổ biến, ảnh hưởng đến việc đấu giá quyền sử dụng đất trên phạm vi cả nước, các bộ, ngành sẽ có đề xuất, tham mưu phương án cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật.
Trường hợp không phải lỗi do cơ chế, chính sách mà do quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị sẽ đề xuất và tham mưu trong việc chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các phương án đấu giá, xác định giá đất và tổ chức việc đấu giá để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo ổn định tình hình đấu giá đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!