Trong thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là sau vụ việc khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, với giá trị hơn 10.000 tỷ đồng của các 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Lý do hủy 9 lô trái phiếu là vì "có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ". Dẫu là bán chui nhưng doanh nghiệp này vẫn có thể huy động được hơn chục nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Vì sao các nhà đầu tư vẫn mua phải các loại trái phiếu kém chất lượng này?
Cơ cấu của thị trường trái phiếu Việt Nam
Hiện nay, trái phiếu phát hành ra công chúng (dạng trái phiếu được niêm yết với độ minh bạch cao) chỉ chiếm 4%, trong khi trái phiếu phát hành riêng lẻ (với tiêu chuẩn công bố thông tin thấp hơn và độ rủi ro cao hơn) đang chiếm tới 96%.
Bất động sản vươn lên là nhóm có tỷ trọng phát hành lớn nhất. Trong 5 năm qua, trái phiếu đã trở thành kênh huy động quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản, với giá trị phát hành trung bình xấp xỉ 100.000 tỷ đồng/năm, đóng góp tỷ trọng 30 - 40% trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu hiện ở mức lên tới 8,1 lần, trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần.
Với số liệu trên, rõ ràng lượng trái phiếu doanh nghiệp tự phát hành bán qua công ty chứng khoán hoặc bán qua ngân hàng như trường hợp Tân Hoàng Minh mà ở đó người nắm giữ trái phiếu đang đối mặt với rủi ro rất cao lại đang chiếm phần lớn.
Trong thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. (Ảnh minh họa: PLO)
Thực tế trên thị trường cũng có những dòng trái phiếu khá uy tín như trái phiếu phát hành ra công chúng của một số tập đoàn lớn hay trái phiếu riêng lẻ của chính các ngân hàng, công ty chứng khoán và của các doanh nghiệp sản xuất.
Trái phiếu doanh nghiệp được phân phối chính thức qua kênh ngân hàng hay công ty chứng khoán được đánh giá, thẩm định thì khá ổn vì mục đích phát hành rõ ràng, có tài sản đảm bảo và bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ, người mua sẽ có kèm một chứng thư bảo lãnh.
Nhưng lượng trái phiếu đó trên thị trường không nhiều và lãi suất những trái phiếu như vậy thường chỉ cao hơn một chút so với lãi tiền gửi ngân hàng, khoảng 7 - 8%/năm... Còn trái phiếu phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản trung bình cũng trên 10%, có những trường hợp 12 - 15%.
Nếu chỉ nhìn sự hấp dẫn theo con mắt người dân thông thường là dựa trên lãi suất, trái phiếu bất động sản phát hành riêng lẻ là dạng trái phiếu hấp dẫn hàng đầu. Nhưng hiện nhiều nhà đầu tư đã hiểu về mặt rủi ro trên thị trường trái phiếu nói riêng và đầu tư nói chung đó là lãi suất cao đồng nghĩa với rủi ro cao. Một doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi cao tức là một doanh nghiệp đang quá "khát dòng tiền".
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tư vấn đầu tư Trái phiếu cho hay: "Cùng tham gia vào trái phiếu Tân Hoàng Minh, khách hàng mua những kỳ hạn ngắn từ 6 tháng đến 1 năm thì họ thấy bên doanh nghiệp đảm bảo được nghĩa vụ nợ với khách hàng và nhà đầu tư. Khi họ thấy kiếm lời khá nhàn sẽ có xu hướng đổ thêm tiền vào, mắc bẫy ở các đoạn về sau, không phải đoạn bắt đầu bởi những đoạn bắt đầu họ đầu tư 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Nhưng khi họ thấy kênh này hấp dẫn và đặt niềm tin vào kênh trái phiếu rồi họ lại bỏ nhiều tiền hơn, có người 50 tỷ, 100 tỷ cũng có".
Trái phiếu kém chất lượng mập mờ trong công bố thông tin
Điểm đáng lưu ý của những trái phiếu kém chất lượng là việc mập mờ trong công bố thông tin. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Điểm đáng lưu ý của những trái phiếu kém chất lượng là việc mập mờ trong công bố thông tin. Nhiều cảnh báo được đưa ra là không loại trừ nghi vấn rất có thể doanh nghiệp sử dụng trái phiếu làm công cụ để đảo nợ, dùng tiền của người mua trái phiếu sau trả cho người mua trước, tiềm ẩn rủi ro đổ vỡ domino như đa cấp biến tướng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
"Qua một ma trận sở hữu chéo rất phức tạp giữa các doanh nghiệp đặc biệt với công ty con và dưới sự hỗ trợ của một số ngân hàng thân hữu, chúng ta cần nhìn thực tế đây là một kỹ thuật phức tạp và nhà đầu tư cá nhân rất khó để có thể nhận ra được", ông Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Trường Đại học Bristol, Vương quốc Anh cho hay.
Trên thị trường đang tồn tại tình trạng các công ty con là các đơn vị phát hành trái phiếu, người mua là công ty anh em, còn tiền là của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong tình huống này, người dân không hề có quyền của trái chủ, mà chỉ là hợp tác đầu tư không phải là người cho vay để mà được đòi tiền. Vậy làm thế nào để tránh được các loại trái phiếu như này?
Cần có những quy định như thế nào để ràng buộc trách nhiệm của các ngân hàng hay công ty chứng khoán tránh việc họ đang tìm mọi cách đưa trái phiếu, thậm chí kém chất lượng đến tay nhà đầu tư?
Xung quanh các vấn đề trên, cuộc trao đổi trực tiếp giữa phóng viên VTV với ông Hồ Quốc Tuấn trong VIDEO trên đã có thêm những phân tích chi tiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!