Đầu tư hạ tầng đường sắt thúc đẩy vận tải liên vận

VTV Digital-Thứ tư, ngày 23/10/2024 09:15 GMT+7

VTV.vn - Phát triển đường sắt liên vận sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc. Hiện nhu cầu vận chuyển hàng hoá 2 nước ước tính 8-9 triệu tấn/năm.

Bên cạnh dự thảo về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, thì việc nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt liên vận hiện cũng đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Vận tải liên vận bằng đường sắt được biết đến là phương thức có khối lượng lớn, chi phí rẻ, giúp kết nối thông thương hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc nói riêng và các nước trong khu vực Á - Âu nói chung, cũng như hàng hóa từ Trung Quốc sẽ thông qua Việt Nam để đi vào các nước ASEAN.

Có vai trò quan trọng như vậy, nhưng với hạ tầng đường sắt hiện nay đã xuống cấp sau cả trăm năm khai thác. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội sẽ cần đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt liên vận mới.

Với Việt Nam, tàu liên vận thường chở hàng sang Trung Quốc, hoặc quá cảnh qua đây để đi Nga, Kazakhstan và một số nước châu Âu và ngược lại. Chúng ta hiện có 8 ga liên vận hàng hóa gồm: Lào Cai, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Yên Viên và Giáp Bát (Hà Nội), Hải Phòng, Kép (Bắc Giang), Đà Nẵng, Sóng Thần (Bình Dương). Hàng liên vận của khu vực phía Nam sẽ đi từ ga Sóng Thần (Bình Dương) và khu vực phía Bắc là từ Hải Phòng, tập trung về ga Yên Viên (Hà Nội). Từ đây sẽ có 2 tuyến đi Trung Quốc. Tuyến 1 từ ga Yên Viên đi Lào Cai. Tuyến 2 từ Yên Viên qua ga Kép (Bắc Giang) đi Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Trước đây, 100% hàng hóa liên vận được vận chuyển bằng toa xe thường. Đến tháng 10/2017, hàng liên vận bắt đầu được vận chuyển bằng toa xe container. Đến năm 2022, khoảng một nửa khối lượng hàng hóa liên vận đã sử dụng toa xe container. Hàng hóa chủ yếu là khoáng sản, quặng và các sản phẩm điện tử, thủy hải sản, hàng đông lạnh, hoa quả. Từ khi bắt đầu khai thác đến năm 2021, hàng hóa liên vận đường sắt đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 6%/năm.

Tăng sản lượng hàng hóa đường sắt liên vận

Đầu tư hạ tầng đường sắt thúc đẩy vận tải liên vận - Ảnh 1.

9 tháng năm nay, lượng hàng đi bằng đường sắt liên vận đã tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2023.

Kể từ khi vận tải đường sắt liên vận được đưa vào khai thác, đến nay nhìn chung sản lượng hàng hóa đi bằng phương thức này đều tăng trưởng tích cực qua từng năm. Đặc biệt, như năm 2021 đã tăng 31% so với năm 2020, đạt 1,13 triệu tấn, chiếm gần 20% tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt của cả nước. Theo thống kê mới nhất, 9 tháng năm nay, lượng hàng đi bằng đường sắt liên vận đã tăng gần 45% so với cùng kỳ năm trước.

Ga Kép tại Bắc Giang là ga đầu tiên của khu vực phía Bắc được nâng cấp thành ga liên vận quốc tế. Các thủ tục thông quan hàng hóa được làm ngay tại ga nằm sâu trong nội địa đã tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện mỗi tháng trung bình có khoảng 4-500 container được bốc xếp tại đây để đi sang Trung Quốc và ngược lại.

Ông Phạm Văn Tâm - Giám đốc Công ty vận tải NDH cho biết: "Hàng hóa đưa về đây thì từ tất cả các nhà máy khu vực phía Bắc, nhiều lúc còn chuyển cả nông sản ở phía Nam ra ga Kép để xuất sang Bằng Tường, Trung Quốc".

9 tháng năm nay, đường sắt liên vận Việt - Trung đã chạy được hơn 300 chuyến tàu, với tổng khối lượng vận chuyển xấp xỉ 11.000teus. Ngoài các mặt hàng truyền thống như nông sản, nguyên vật liệu, đồ điện tử, quặng thì một số loại hàng có tiềm năng khác như dăm gỗ cũng đang được thử nghiệm chở bằng đường sắt liên vận.

"Hiện tại thử nghiệm dùng thiết bị cơ giới cố gắng đóng một ngày khoảng 5-7 container, để trong vòng 2-3 ngày cố gắng lập xong đoàn tàu 19 toa để xuất sang Trung Quốc", ông Lã Chiến Thắng - Phó Trưởng ga Kép, Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Lạng chia sẻ.

Ông Nguyễn Chính Nam - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết: "Những năm vừa qua sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế đều tăng mạnh và hàng hóa của chúng tôi vận chuyển bằng đường sắt đã đi được từ Việt Nam qua Trung Quốc, sang các nước thứ ba như là Mông Cổ, Nga, châu Âu ở khu vực Trung Á".

Cảng Vật Cách là một trong ba cảng biển tại Hải Phòng có đường sắt chạy sâu vào trong cầu cảng. Nhờ vậy mà hàng liên vận đi Vân Nam, Trung Quốc giảm được đến 40% chi phí so với nếu đường sắt nằm bên ngoài cảng. Nhu cầu ngày càng tăng là lý do để cảng tiếp tục đầu tư khoảng 500 tỷ đồng để mở rộng cầu cảng và đặt thêm 2 nhánh đường sắt nữa.

Ông Trần Duy Phúc - Giám đốc Cảng Vật Cách, TP Hải Phòng cho hay: "Thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hải Phòng về việc mở rộng các tuyến đường sắt cũng như ga Vật Cách và ga trong cảng Vật Cách. Việc làm này làm giảm chi phí xếp dỡ cho chủ hàng và tăng khả năng kết nối cũng như khả năng cạnh tranh của chủ hàng trong vận tải đường sắt".

Ngành đường sắt hiện cũng đang nỗ lực nâng công suất liên vận quốc tế lên 5 triệu tấn vào năm 2030 theo kế hoạch đã được Chính phủ đề ra.

Đầu tư đường sắt liên vận tạo sức bật cho xuất nhập khẩu

Đầu tư hạ tầng đường sắt thúc đẩy vận tải liên vận - Ảnh 2.

Phát triển đường sắt liên vận sẽ giúp thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng của thương mại song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Có thể thấy vận tải bằng đường sắt liên vận đã phát huy được những hiệu quả bước đầu trong giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu, chủng loại và khối lượng hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng tăng lên, trong khi hạ tầng lại thiếu đồng bộ đang tạo ra những rào cản lớn, đòi hỏi cần sớm có phương án đầu tư nâng cấp.

Từ Hà Nội có 2 tuyến đường sắt liên vận đi sang Trung Quốc, nhưng hiện nay tuyến nào cũng đang gặp khó về hạ tầng. Từ ga Yên Viên (Hà Nội) đi Lào Cai đang là khổ đường sắt 1m, không tương thích với khổ đường 1.435 của Trung Quốc. Do đó, khi tàu chở hàng liên vận đến ga cửa khẩu sẽ phải dừng chờ để chuyển tải hàng hóa. Phát sinh thêm thời gian và chi phí.

Tuyến từ Yên Viên đi ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) tuy đã có khổ đường 1.435, nhưng vì hạ tầng yếu nên mỗi đoàn tàu chỉ chở được tối đa khoảng 20 toa xe. Vì thế, khi sang đến Trung Quốc sẽ phải chờ khoảng 3 tiếng để ghép hai chuyến thành một mới phù hợp với đường sắt nước bạn, tối thiểu 40 toa xe một chuyến.

Tuyến đường sắt từ Hà Nội đi Đồng Đăng, Lạng Sơn qua khu vực ga Kép của Bắc Giang là tuyến duy nhất có khổ đường 1.435 khá đồng nhất với đường sắt Trung Quốc. Tuy nhiên, hạ tầng và sức kéo còn nhiều hạn chế khiến việc vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt vẫn còn 1 số khó khăn.

Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, tuyến liên vận Hà Nội - Đồng Đăng - Nam Ninh (Trung Quốc) mới chỉ có 3 chuyến/tuần do hạ tầng xuống cấp. Thời gian chạy tàu vẫn còn 14 tiếng dù đã nỗ lực cắt giảm thủ tục tờ khai tại các đầu ga. Do đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng là mong mỏi của các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng.

Ông Trương Tồn Vỹ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu VTO Việt Nam cho hay: "Ví dụ quả sầu riêng giá trị cao yêu cầu thời gian tốc độ nhanh nhưng hiện tại chưa đáp ứng được. Chúng tôi hi vọng cơ sở hạ tầng được cải thiện để tăng tốc độ, giảm giá thành vận chuyển thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều mặt hàng chạy tàu chuyên qua đường sắt".

Trước nhu cầu ngày càng lớn của vận tải liên vận, Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc gồm Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái (Quảng Ninh). Trong đó, tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai hiện đang được lập báo cáo tiền khả thi với phương án chiều dài 380km, đường đôi khổ 1.435.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Ratraco cho biết: "Các doanh nghiệp cũng đang tiến hành cải tạo đầu tư, làm các cái thủ tục cần thiết khác để nó đúng theo vai trò của ga liên vận. Và cái ga này nó chỉ phát huy khi mà có một cái hệ thống liên vận hoàn chỉnh, nó kết nối được thì cái ga liên vận này sẽ phát huy được cái vai trò của nó".

Theo tính toán, hiện nhu cầu vận chuyển hàng hóa Việt - Trung ước tính khoảng 8-9 triệu tấn/năm, nhưng chúng ta mới chỉ đáp ứng được 1/3 khối lượng này. Vì vậy, phát triển đường sắt liên vận sẽ giúp thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng của thương mại song phương.

Mới đây, Chính phủ đã hỗ trợ 4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm nay cho Bộ Giao thông Vận tải để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai. Với mục tiêu sẽ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào năm sau và phấn đấu khởi công vào năm 2027.

Dự án khi được phê duyệt và triển khai sẽ có thể đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường sắt và đảm bảo khai thác hiệu quả tối đa năng lực của tuyến; giúp kết nối đường sắt với các cảng biển, các khu công nghiệp, thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với liên minh kinh tế Á - Âu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước