Nguy cơ thiếu thịt lợn dịp cuối năm
Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá.
Sau đó, thị trường đã có sự chuyển biến, ghi nhận thực tế giá lợn hơi ở cả 3 miền giảm nhẹ 1.000 đồng/kg so với ngày hôm trước, hiện dao động ở mức 65.000 - 73 000 đồng/kg.
Giá giảm, người tiêu dùng vui, nhưng người chăn nuôi lại lo, dẫn đến việc không dám vào đàn. Nếu không có các giải pháp để hạ nhiệt giá thức ăn và ổn định được giá thịt lợn hơi, rõ ràng việc thiếu hụt nguồn cung dịp cuối năm là khó tránh khỏi.
Nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào dịp Tết, thời điểm tiêu thụ thực phẩm nhiều nhất trong năm, thì việc giá thịt lợn hơi tăng vượt mức 100.000 đồng/kg lợn là khó tránh khỏi. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
6 tháng duy trì tiền cám cho đàn lợn thịt 30 con đang làm gia đình bà Thọ (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) khó khăn hơn bao giờ hết.
Tháng trước mua một bao cám loại 25 kg một bao là 260.000 đồng, nhưng tháng này lên tới gần 280.000 đồng.
Giá mua từ đại lý tăng cao như hiện nay đang khiến các hộ nhỏ lẻ không còn chi phí để vào đàn mới, giờ chỉ mong xuất chuồng thu vốn càng nhanh càng tốt.
"Giá thức ăn quá cao, chúng tôi giảm bớt chăn nuôi bởi lãi suất không có, áp lực lãi suất quá lớn. Nuôi bao nhiêu thì tiền cám ăn hết bấy nhiêu, chúng tôi không có lãi. Hiện chúng tôi chỉ nuôi nhỏ lẻ một ít thôi, cố gắng giữ lấy đàn", bà Nguyễn Thị Thọ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, mà ngay với các hộ có mô hình trang trại như gia đình anh Hồng (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng đang băn khoăn cho việc có nên vào đàn thời điểm này hay không.
Để duy trì thức ăn cho đàn 500 nái và 300 lợn thịt thời điểm này mỗi tháng cũng tiêu tốn cả trăm triệu đồng.
"Cũng mong giá bán thịt ổn định bởi giá tăng cao thì sau đó sẽ xuống nhiều. Mong Nhà nước duy trì chính sách ổn định giá để ngành chăn nuôi yên tâm", anh Phạm Quang Hồng, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết.
Tại nhiều tỉnh trọng điểm chăn nuôi lớn trên cả nước, nguồn cung lợn ra thị trường cũng đang có chiều hướng giảm hơn so với các tháng trước đây từ 5 - 10%. Một phần cũng do nhiều trang trại đợi giá lợn hơi tăng cao chờ xuất bán.
"Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hội nghị để làm sao đảm bảo được nguồn cung thịt lợn cho 100 triệu dân", ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin.
Nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào dịp Tết, thời điểm tiêu thụ thực phẩm nhiều nhất trong năm, thì việc giá thịt lợn hơi tăng vượt mức 100.000 đồng/kg lợn là khó tránh khỏi. Điều này đã từng xảy ra sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi năm 2019. Khi đó cả người chăn nuôi, lẫn người tiêu dùng sẽ đều phải chịu thiệt.
Ngăn chặn buôn lậu lợn qua biên giới
Chênh lệch giữa giá lợn trong nước và một số nước trong khu vực lên đến 40.000 đồng/kg, vì vậy sẽ có những kẻ đầu cơ, đưa lợn từ ngoài biên giới vào nội địa tiêu thụ.
Để tránh gây bất ổn thị trường trong nước nói chung, cũng như phòng ngừa tình trạng buôn lậu qua biên giới, nhiều địa phương đang siết chặt các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ qua địa bàn.
Tường rào kiên cố dọc tuyến biên giới được xây dựng, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã khiến những năm gần đây việc buôn lậu nói chung và vận chuyển các sản phẩm từ lợn qua biên giới nói riêng gần như không xảy ra. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng mặt hàng này có thể bị các đối tượng đầu nậu trà trộn, đi qua cửa khẩu chính ngạch.
"Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã tăng cường nhiều biện pháp, kiểm soát chặt chẽ, tránh xảy ra hiện tượng các đối tượng lợi dụng hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch qua biên giới để buôn lậu và vận chuyển trái phép mặt hàng lợn và các sản phẩm từ lợn", bà Hứa Thị Hồng, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, cho hay.
Theo Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn, do Việt Nam và Trung Quốc chưa ký thỏa thuận kiểm dịch xuất nhập khẩu về lợn và sản phẩm từ lợn, nên mặt hàng này chưa được xuất nhập khẩu chính ngạch, nhưng công tác kiểm dịch vẫn đang được lực lượng chức năng tăng cường.
"Trong 6 tháng vừa qua chúng tôi không nhận được lô hàng nhập lậu nào của các lực lượng chức năng bàn giao. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác chỉ đạo cán bộ tại các cửa khẩu về công tác kiểm dịch để kiểm tra kiểm soát và nếu có chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định", ông Chu Nguyên Thạch, Chi Cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn, nhấn mạnh.
Mặc dù tình trạng buôn lậu tại Lạng Sơn hầu như không xảy ra trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên Lạng Sơn vẫn chủ động các biện pháp ứng phó với hiện tượng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn không nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh nội địa vận chuyển ngược lên địa bàn.
Hiện nay, giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc đang dao động trong khoảng 66.000 - 70.000 đồng/kg. Trong khi giá thịt lợn hơi tại Trung Quốc đang ở mức hơn 100.000 đồng/kg.
Giải pháp bình ổn giá thịt lợn
Nhằm bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn sống từ các nước trong khu vực, thay vào đó sẽ đẩy mạnh tái đàn trong nước. Bộ đã khảo sát thực tế tại các địa phương, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp và bà con nông dân để năm tình hình và có giải pháp cụ thể.
Mỗi năm Tập đoàn DABACO Việt Nam cung ứng ra thị trường từ 1 - 1,2 triệu con lợn. Giá thức ăn chăn nuôi tăng gấp 2 lần, nhưng vì có quy mô chăn nuôi lớn, với chuỗi khép kín từ sản xuất con giống, sản xuất thức ăn, có luôn hệ thống giết mổ, chế biến thành phẩm nên doanh nghiệp vẫn duy trì sản lượng.
"Sản xuất theo chuỗi nên so với đơn vị chăn nuôi khác đỡ hơn một chút. Chúng tôi vẫn duy trì cung cấp 1,2 triệu con 1 năm và trở thành quy trình khép kín", ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, thông tin.
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả nước khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Không chỉ đảm bảo nguồn cung, mà việc tiết giảm các khâu trung gian trong việc phân phối thịt cũng là cách bình ổn giá hiệu quả. Như Công ty CP Ubofood Việt Nam, ngoài các điểm bán hàng truyền thống, họ còn đẩy mạnh thương mại điện tử.
Tại nhiều tỉnh trọng điểm chăn nuôi lớn trên cả nước, nguồn cung lợn ra thị trường đang có chiều hướng giảm. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Chúng tôi triển khai cả hai mô hình, kết hợp online và offline để tối ưu chi phí logistics và tối ưu được giá cả trong từng sản phẩm", chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Tổng Giám đốc Điều hành UBOFOOD Việt Nam, cho biết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng từ nay đến cuối năm cố gắng duy trì mức tăng trưởng sản lượng thịt lợn khoảng 6% mới có thể đảm bảo cung cầu thị trường.
Thực tế, người chăn nuôi đã chịu lỗ một thời gian rất dài, cùng với đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao nên việc thịt lợn có tăng giá cũng là điều dễ hiểu để giúp bà con chăn nuôi lợn phần nào bớt đi những khó khăn, chứ không hẳn liên quan đến việc tăng giảm của giá xăng.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan làm rõ những bất cập, hạn chế, đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán lẻ sao cho cả người tiêu dùng và chăn nuôi đều được hưởng lợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!