Để nông sản Việt không “ngủ quên” trên "sân nhà"

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 13/07/2024 11:03 GMT+7

Current Time0:00
/
Duration0:00

VTV.vn - Với dân số hơn 100 triệu người, thị trường trong nước là khu vực có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản.

Nông sản cần chú trọng thị trường trong nước

Nếu khai thác và bán được nông sản trong nước với số lượng lớn và ổn định sẽ tạo cơ hội cho nông sản việt, nhất là trong những thời điểm thị trường thế giới có biến động lớn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng nông sản hàng năm tạo áp lực không nhỏ khi vào cao điểm thu hoạch các sản phẩm với trên 42 triệu tấn lúa, gần 19 triệu tấn rau màu, trên 12 triệu tấn trái cây chủ lực, sản lượng thịt các loại trên 7 triệu tấn, thủy sản trên 9 triệu tấn.

Chính vì vậy, việc kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản thực phẩm chất lượng cao góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, song song với kênh xuất khẩu.

Để nông sản Việt không “ngủ quên” trên sân nhà - Ảnh 1.

Với dân số hơn 100 triệu người, thị trường trong nước là khu vực có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN

Thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ nông sản

ĐBSCL là vựa nông sản lớn nhất của cả nước, ngoài việc tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp nông sản ở đây còn tích cực khai thác tốt thị trường nội địa. Nhiều sản phẩm OCOP với hình thức mẫu mã thu hút, chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đã được đưa vào các kênh phân phối hiện đại. Nhờ thế, việc tiêu thụ nông sản cũng dễ dàng và được giá hơn.

Mỗi dịp tới thành phố Châu Đốc, An Giang hành hương, chị Xuyên và gia đình luôn dành thời gian để đến siêu thị ở đây mua sắm bởi hàng hóa khá phong phú và đa dạng.

"Em ở bên Đồng Tháp đi qua đây rất thích siêu này. Hàng hóa rất ổn, giá cả cũng phù hợp túi tiền của mình nữa", chị Xuyên chia sẻ.

Hiện tại siêu thị trên có từ 20.000 - 30.000 đầu hàng hóa các loại. Đáng chú ý là có tới 90% là hàng Việt. Chính nhờ những kênh thương mại biên mậu phát triển mạnh như thế này sẽ giúp tiêu thụ có hiệu quả hàng hóa quá nội địa.

Để nông sản Việt không “ngủ quên” trên sân nhà - Ảnh 2.

Một siêu thị thiết kế khu vực riêng để tiếp thị đa dạng nông sản, thực phẩm Việt đến người tiêu dùng. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Để kích cầu tiêu dùng, An Giang còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương ý nghĩa. Điển hình là phiên chợ cuối tuần sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền với nhiều phiếu mua hàng ưu đãi đang tạo sức hút với nhiều người tiêu dùng.

Ông Lâm Văn Tuấn - Phó Trưởng Phòng Quản lý sự kiện Siêu thị Tứ Sơn cho biết: "Bằng hóa đơn 500.000 đồng khi mua sắm tại siêu thị, bà con được thêm phiếu mua hàng trong phiên chợ trị giá 30.000 đồng để mua các sản phẩm OCOP, các sản phẩm doanh ngiệp tham gia".

"Sẽ phối hợp các ngành, các doanh nghiệp và nhà sản xuất tổ chức nhiều phiên chợ, phiên bán hàng để làm sao kích cầu tiêu dùng gia tăng bán lẻ cuối năm", ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho hay.

An Giang cũng là địa phương làm khá tốt công tác bình ổn thị trường, không để xảy ra hiện tượng đầu tư, găm hàng, tăng giá đột biến. Với nhiều cách làm năng động, địa phương đặt mục tiêu sớm mốc 85.000 tỷ đồng về doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trong 2 quý cuối năm.

Tiếp cận thị trường bằng chất lượng ổn định

Nông sản phải luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng ổn định qua các kênh phân phối. Đây là cách mà những nhà vườn ở tỉnh Lâm Đồng đang làm để tiếp cận thị trường. Việc tuân thủ những yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm chính là để nâng cao sức mạnh của nhà sản xuất, giúp nông sản tiêu thụ tốt hơn ở thị trường trong nước.

Mỗi ngày, Hợp tác xã An Phú đưa ra thị trường từ 2 - 4 tấn rau. Từ kích cỡ đến chất lượng từng loại rau đều phải theo quy chuẩn từ phía đối tác tiêu thụ. Chất lượng này phải đồng đều. Vì vậy, 17 thành viên của Hợp tác xã và 43 nông hộ liên kết đã thay đổi cách sản xuất theo hướng mà Hợp tác xã đưa ra.

Ông Đào Chuyên Chính - xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã đầu tư 2 tỷ đồng để làm nhà kính trên 4 sào đất. Vườn ớt được canh tác VietGAP, đáp ứng những yêu cầu từ thị trường đối với mặt hàng này.

Ông Chính chia sẻ: "Những trái nào không đạt tiêu chuẩn thì bỏ luôn, bỏ trước khi thu hoạch, đến khi thu hoạch thì chất lượng rất đều".

Để nông sản Việt không “ngủ quên” trên sân nhà - Ảnh 3.

Nông sản phải luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng ổn định qua các kênh phân phối. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.

Là vùng chuyên canh rau và hoa đứng đầu cả nước, mỗi năm Lâm Đồng cung ứng ra thị trường hơn 3 triệu tấn rau và khoảng 3,6 tỷ cành hoa. Không chỉ thị trường xuất khẩu mà ngay cả thị trường trong nước ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng. Một trong các tiêu chí hàng đầu mà các nhà phân phối đưa ra là chất lượng rau, hoa phải đồng đều theo tiêu chuẩn như đã cam kết.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Để thực hiện vấn đề này, các doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân trong chuỗi liên kết, đưa ra giải pháp kỹ thuật đồng bộ; thứ hai là giống; thứ ba là tiêu chuẩn công nghệ sau thu hoạch".

Đến lúc này, vùng nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã định hình 243 chuỗi liên kết tương ứng với hàng ngàn ha diện tích đất canh tác. Chính những chuỗi liên kết này mà nông dân đã từng bước thay đổi sản xuất. Chất lượng đồng đều - điều mà trước đây, nông dân ít để tâm thì nay nhiều người xem như là tiêu chí để nông sản làm ra được tiêu thụ dễ dàng.

Nắm bắt FTA để hướng đến xuất khẩu tinh nông sản Nắm bắt FTA để hướng đến xuất khẩu tinh nông sản Sản xuất “thuận thiên” để nông sản đi xa Sản xuất “thuận thiên” để nông sản đi xa 3 tỷ đồng/phiên bán nông sản OCOP trực tuyến 3 tỷ đồng/phiên bán nông sản OCOP trực tuyến

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước