Để tiếp tục bứt phá, ngân hàng chỉ còn trông vào hạ chi phí

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 08/04/2019 10:22 GMT+7

VTV.vn - Khi doanh thu đã đạt mức tăng trưởng tiềm năng, để gia tăng lợi nhuận các ngân hàng phải hạ thấp chi phí.

Để tiếp tục bứt phá, ngân hàng chỉ còn trông vào hạ chi phí là tiêu đề một bài viết đáng chú ý trên Thời báo Kinh tế Sài gòn. 2018 được xem là một năm thành công của ngành ngân hàng khi nợ xấu cũ tiếp tục được đẩy mạnh xử lý, trong khi nợ xấu mới phát sinh cũng được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên, vấn đề là khi các yếu tố đột biến mang tính "dự trữ" như bán phần vốn góp, hợp tác bán bảo hiểm hay thu được các khoản nợ xấu không còn, buộc ngân hàng phải tìm cho mình một điểm đột phá mới để cải thiện lợi nhuận. Thông thường, khi doanh thu đã đạt mức tăng trưởng tiềm năng tối đa, để tăng lợi nhuận ngân hàng cần phải hạ thấp chi phí với 2 cách: Giảm chi phí huy động vốn và giảm chi phí hoạt động.

Thông lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập chỉ khoảng 35-40% nên nhiều ngân hàng Việt Nam có mức chi phí này cao hơn 50% vẫn còn room để giảm, nhưng một số khác có tỷ lệ chi phí này đã thấp phải xoay sở bằng cách giảm chi phí huy động vốn. Để giảm chi phí huy động vốn buộc các ngân hàng phải có các giải pháp để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn - điều chưa nhiều ngân hàng chú trọng đến.

Giải pháp là các ngân hàng phải hướng đến việc phát triển hệ thống thanh toán có khả năng tích hợp được hệ sinh thái của từng khách hàng. Như vậy, có thể nói công nghệ thông tin sẽ chính là yếu tố, chìa khóa then chốt để các ngân hàng nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.

Ngân hàng đang loay hoay tìm hướng mới để tăng lợi nhuận, nhưng lợi nhuận có khủng bao nhiêu thì cổ đông vẫn đang mòn mỏi chờ cổ tức. Bài viết: "Ngân hàng lãi "khủng'", cổ đông khóc ròng vì "đói" cổ tức - của tờ Thanh Niên, phân tích 6-7 năm vẫn chỉ là cổ tức bằng cổ phiếu. Năm 2018, có nhà băng lên sàn, niêm yết với giá khủng lên tới 128.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông những tưởng sẽ được hưởng cổ tức tiền mặt, vì ngân hàng liên tục báo lãi khủng hàng nghìn tỉ đồng, song sau niêm yết và chia tách thưởng bảng cổ phiếu, giá của cổ phiếu lao dốc thảm hại, hiện chỉ còn loanh quanh 24.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ đông chiến lược hay nhỏ lẻ đều lỗ nặng. Bài viết lý giải nguyên nhân là do áp lực của nợ xấu bởi lãi báo "khủng" nhưng thực chất chủ yếu là lãi "ảo".

Nợ xấu của các tổ chức tín dụng thường báo cáo dưới 3% tổng dư nợ, song đây chỉ là nợ "nội bảng", còn bản chất nếu tính cả nợ ngoại bảng tức các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro là rất lớn. Để giúp các nhà băng có thêm thời gian xử lý nợ, Ngân hàng Nhà nước cho phép bán nợ cho VAMC và được hưởng cơ chế giãn trích lập dự phòng trải đều qua từng năm mà lẽ ra phải thực tế trích lập cao hơn nên một phần lợi nhuận những năm vừa qua và hiện nay của nhiều ngân hàng vẫn đang nợ, không bị cắt bớt như trích lập thông thường.

Như vậy, thực tế ra nợ xấu vẫn còn cao, nên Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng bán nợ không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu. Vì vậy, năm nay hay vài năm tới, cổ tức bằng tiền mặt với cổ đông sẽ khá xa vời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước