Đề án này được xây dựng với kỳ vọng sẽ thay thế và xử lý được những bất hợp lý trong biểu giá lũy tiến 6 bậc đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, phương án 1 được giữ nguyên như cách thu hiện hành; phương án 2 được xây dựng theo hướng giá điện sẽ bán đồng giá, không áp dụng bậc thang với mức bình quân năm nay là 1.747 đồng/kWh để làm giá bán chung.
Ngoài ý tưởng nêu trên, nhằm rút gọn biểu giá, tránh phức tạp trong cách tính toán, đề án của EVN còn đưa ra các phương án khác, nhằm rút gọn các bậc trong biểu giá lũy tiến của giá điện. Cụ thể, với phương án 3, giá tính tiền bán điện rút về 3 bậc hoặc 4 bậc với các kịch bản khác nhau về số kWh sử dụng điện của các hộ ở mỗi bậc thang. Ưu điểm của phương án này là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều điện trong tháng càng thanh toán tiền điện với giá cao hơn, sử dụng càng ít điện sẽ được thanh toán tiền điện ở các mức giá thấp hơn.
Tuy nhiên, phương án này đã không khắc phục được nhược điểm hiện hữu đó là: Việc ghi chỉ số tác động đến thanh toán tiền điện với số kWh ở nấc thang cao hoặc vào mùa nắng nóng sử dụng nhiều điện thì tiền điện thanh toán có tốc độ tăng cao hơn lượng điện sử dụng, gây hiểu lầm là do ghi chỉ số sử dụng điện không chuẩn xác.
Sau khi Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện mới được EVN công bố đã có nhiều ý kiến cho rằng biểu giá điện cải tiến dù có thiết kế như thế nào, 6 bậc, đồng giá, hay 3 - 4 bậc như 3 phương án đề xuất của EVN cũng không ảnh hưởng đến giá bán điện bình quân của đơn vị này. Ngoài ra, biểu giá điện mới cũng chưa thể hiện được mong mỏi của đông đảo người dân là cải tiến phải làm sao để người có thu nhập thấp và trung bình không bị ảnh hưởng và phải trả tiền điện với giá quá cao.
Xung quanh vấn đề trên, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.