Thay vì việc phải rút toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm trước kỳ hạn, dự thảo đề xuất khách hàng có thể rút trước một phần tiền gửi trong trường hợp cần thiết, phần còn lại sẽ được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Dù cũng muốn gửi tiền tiết kiệm dài hạn trên một năm để có lãi suất cao hơn, nhưng những người trẻ như chị Nguyễn Thị Thu Hà, nhân viên kế toán, vẫn còn do dự. Vì nếu có việc phát sinh, chị sẽ không biết phải xoay sở nguồn tiền ở đâu. Còn nếu rút trước hạn, lãi không kỳ hạn chẳng đáng là bao.
Chị Hà cho biết: "Tôi đang có 200 - 300 triệu gửi ngân hàng. Trước đây khi tôi gửi lãi suất 6-7 tháng, sau đấy nếu muốn rút ra thì lãi suất thấp, không được như tôi mong muốn. Nhiều lúc không muốn gửi vì như vậy. Nếu có việc tôi vẫn phải rút thôi chứ nếu tự xoay sở với số tiền lớn thì cũng khó vì mình còn trẻ".
Hiện nay, các ngân hàng cũng cho phép khách rút trước hạn toàn bộ tiền gửi tiết kiệm với mức lãi suất bằng với gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Ví dụ, nếu gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng trong kỳ hạn 1 năm, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất khoảng 6%/năm. Tuy nhiên, gửi được nửa năm mà khách hàng muốn rút một khoản thì chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn, hiện phổ biến từ 0,2-0,4%/năm.
Trong khi đó, theo dự thảo mới, phần tiền được rút trước hạn sẽ áp dụng lãi suất tối đa bằng lãi suất không kỳ hạn. Còn phần tiền gửi còn lại, lãi suất sẽ do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất của kỳ hạn đang gửi.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nói: "Trên thực tế, nếu người dân chưa đến kì hạn mà rút thì sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn, rất là thiệt. Tôi cho đây là sửa đổi hợp lý vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với nhu cầu người dân".
Vì việc rút trước hạn một phần tiền gửi sẽ làm thay đổi về kỳ hạn và lượng tiền gửi còn lại. Để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hụt vốn hoặc thanh khoản có vấn đề đặc biệt thời điểm cuối năm hoặc cuối kỳ, chuyên gia khuyến cáo ngân hàng phải có giải pháp để khách hàng không rút trước kỳ hạn quá nhiều.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhận định: "Ngân hàng phải có nguồn vốn dự phòng, ví dụ như huy động từ kênh thị trường linh hoạt. Ngân hàng cũng cần theo dõi một thời gian để tính toán chu kỳ như vào giai đoạn nào thì khách hàng sẽ rút nhiều hơn cả, chả hạn như thời kỳ mua sắm, thời kỳ cuối năm, những thời điểm đó để chuẩn bị phương án chuẩn bị tốt nhất về nguồn vốn của mình".
Theo chuyên gia, đề xuất mới cũng sẽ tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm huy động vốn đa dạng, đáp ứng nhu cầu người gửi tiền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!