Dệt may Việt thích ứng xu hướng "xanh hóa" của thị trường xuất khẩu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 29/05/2022 10:35 GMT+7

VTV.vn - Thay đổi để thích ứng với những đòi hỏi ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu là hướng đi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi thời gian tới.

Xu hướng "xanh hóa" nguyên liệu may

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã đề xuất một số quy định sinh thái mới yêu cầu "xanh hóa" sản phẩm dệt may tiêu thụ tại châu Âu. Đây đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của dệt may Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam ngay lập tức phải có chiến lược để đáp ứng những yêu cầu mới, khắt khe hơn của châu Âu.

Những quy định mới này nằm trong Chiến lược của Liên minh châu Âu về hàng dệt may bền vững và tuần hoàn với tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các sản phẩm dệt may vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn này, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường.

Hiện nay, các hãng thời trang lớn trên thế giới đều có chiến lược phát triển bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030. Những nguyên liệu từ xơ sợi hoá học phải tăng cường hàm lượng tái chế, đạt ngưỡng 50-100%.

Dệt may Việt thích ứng xu hướng xanh hóa của thị trường xuất khẩu - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải có chiến lược để đáp ứng những yêu cầu mới, khắt khe hơn của châu Âu. Ảnh minh họa.

Dệt may Việt Nam nỗ lực cải thiện quy trình sản xuất

Bên cạnh nguyên vật liệu, nhiều thị trường xuất khẩu lớn khác của dệt may Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, hay Hàn Quốc cũng đều đã có những quy định liên quan đến quy trình sản xuất phải thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn liên quan đến sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn nước, hay xử lí nước thải.

Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực thay đổi, "xanh hoá"sản xuất để đáp ứng yêu cầu và duy trì đơn hàng vào các thị trường khó tính này.

Hiện nay, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới - đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam, đang có xu hướng chuyển sang ưu tiên đặt hàng từ các nhà sản xuất "xanh", đáp ứng các điều kiện về môi trường. Vì vậy, áp lực cũng như thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam là không nhỏ.

"Hiện nay, chúng tôi cũng đặt mục tiêu chuyển đổi từ nay đến năm 2025 và chiến lược đến năm 2030 sẽ tiếp cận và ứng dụng được toàn bộ công nghệ sản xuất, đáp ứng sản xuất xanh và tuần hoàn, để bắt kịp được xu thế mà các nhà nhập khẩu từ châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản yêu cầu", ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May 10 cho hay.

Dệt may Việt thích ứng xu hướng xanh hóa của thị trường xuất khẩu - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang nỗ lực thay đổi, "xanh hoá"sản xuất để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mục tiêu đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may là thành viên Ủy ban Bền vững của VITAS sẽ giảm được 15% lượng tiêu thụ năng lượng và 20% tiêu thụ nước. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh, khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: "Thời điểm hiện tại các doanh nghiệp cũng đều ý thức được việc này. Các doanh nghiệp cũng đã phải bỏ chi phí để đầu tư để đáp ứng được yêu cầu "xanh hoá" dệt may như đầu tư điện áp mái, đầu tư các hệ thống để tiết kiệm nước hoặc tái sử dụng nước trong các nhà máy. Đặc biệt, với những nhà sản xuất làm đồ jean hoặc những nhà dệt nhuộm, họ sẽ phải đảm bảo hoá chất sử dụng an toàn, phải có quy trình xử lý nước thải, tiết kiệm nước tối đa các công nghệ dệt nhuộm, thậm chí không sử dụng nước."

"Chúng tôi đang khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp của ngành dệt may Việt Nam đầu tư các thiết bị, công nghệ cũng như mặt bằng, nhà xưởng để đảm bảo thích ứng được các yêu cầu, đòi hỏi về vấn đề đảm bảo Luật Môi trường và tiết kiệm năng lượng, nguồn nước của các tổ chức quốc tế đặt ra; hay là xây dựng các chương trình phát triển, kêu gọi đầu tư vào năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo", ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.

Thay đổi để thích ứng với những đòi hỏi ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu là hướng đi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì đơn hàng với các đối tác lớn, từ đó tiếp tục giữ vững đà phục hồi và tăng trưởng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 40 - 42 tỷ USD của ngành dệt may Việt Nam trong năm nay.

Đơn hàng dệt may tăng nhưng tỷ suất lợi nhuận giảm Đơn hàng dệt may tăng nhưng tỷ suất lợi nhuận giảm Giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp dệt may tìm cách gỡ khó Giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp dệt may tìm cách gỡ khó Quy định mới với sản phẩm dệt may tại thị trường châu Âu Quy định mới với sản phẩm dệt may tại thị trường châu Âu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước