Dịch vụ tài chính trực tuyến trên điện thoại di động tại Trung Quốc có 2 trụ cột lớn là ứng dụng WeChat Pay của WeChat và Alipay của Alibaba.
Chỉ cần quét mã QR, không cần thẻ tín dụng hay thẻ debit, người dùng có thể thanh toán gần như mọi thứ: mua vé máy bay, vé tàu, vé xem phim, gọi taxi, trả tiền điện, đặt đồ ăn và rất nhiều hoạt động khác.
Thế nhưng những ứng dụng này không chỉ dừng ở đó, mà đã lấn sân sang mảng dịch vụ tài chính khác. Năm 2013, Alibaba đã ra mắt quỹ có tên Yue Bao (tích trữ kho báu). Chỉ bằng một cú click chuột, người dùng có thể hưởng khoản lợi nhuận trên số dư của tài khoản Alipay bằng cách gửi tiền vào Yue Bao, tốt hơn lãi suất ngân hàng truyền thống. Tính đến tháng 3/2018, quỹ này đã nắm giữ khối tài sản trị giá 1,7 nghìn tỷ NDT (tương đương 250 tỷ USD), đưa Yue Bao trở thành một trong những quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới.
Năm 2015, Ant Financial bắt đầu cung cấp dịch vụ tín dụng xoay vòng và Mybank ra đời - dịch vụ cho vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ.
Các nhà quản lý của Trung Quốc đã phải tìm cách kìm chế tốc độ phát triển của những dịch vụ này, ví dụ như đưa ra hạn mức hàng ngày đối với các giao dịch trong Alipay.
Những dịch vụ fintech này đặt ra một thách thức với tài khoản vãng lai. Đây là mối liên kết trọng tâm giữa ngân hàng và khách hàng của mình tại nhiều nước giàu. Nếu mối liên kết bị phá vỡ, thì các ngân hàng sẽ phải làm gì để bán chéo các khoản vay, thế chấp hoặc bảo hiểm, lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất và hoa hồng, hoặc phí của các dịch vụ không thường xuyên như ngoại hối hay thấu chi?
Thời gian tới, các công ty fintech sẽ phải tập trung vào châu Á, nơi có dân số trẻ, thị trường dành cho các sản phẩm tài chính giá rẻ đang phát triển nhanh và những nơi các cơ quan quản lý tài chính đang tìm cách thúc đẩy cạnh tranh bằng cách khuyến khích những ngân hàng mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!