Đối thoại trực tiếp với lãnh đạo các Bộ ngành của Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thẳng thắn trao đổi về những bất cập trong thủ tục hành chính và triển khai đầu tư tại Việt Nam, từ đó kiến nghị giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp Việt Nam phát huy được lợi thế cạnh tranh của mình trong thu hút đầu tư nước ngoài.
‘ Ảnh: VTV News
Cách đây hơn 10 năm, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô và điện tử của Nhật Bản đã đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Đáng tiếc Việt Nam đã không giữ chân được doanh nghiệp do ngành công nghiệp phụ trợ còn kém phát triển, không đáp ứng được chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó là những vướng mắc về chính sách thuế và nguồn nhân lực. Những doanh nghiệp của Nhật Bản sau đó tìm đến Thái Lan và Indonesia.
Đây chỉ là một trong số nhiều vấn đề vướng mắc được các doanh nghiệp Nhật Bản nêu ra trong phiên đối thoại chính sách với lãnh đạo các Bộ ngành của Việt Nam, tại Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản 2013. Không phủ nhận quan hệ hợp tác Việt - Nhật đang phát triển tốt đẹp và toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho giới doanh nghiệp hai nước, song nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đã trao đổi thẳng thắn về những bất cập khi đầu tư vào Việt Nam những năm qua.
Ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: "Theo tôi, doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam bởi nhiều lý do như an ninh chính trị ổn định, sự tương đồng về văn hóa, nguồn lao động dồi dào, chất lượng tốt và sự kỳ vọng vào thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay còn thiếu nguồn nhân lực quản lý, cơ sở hạ tầng và công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu, nguồn điện và nguyên vật liệu không ổn định".
Ông Hamazaki Hideyuki, Phó Giám đốc Công ty hỗ trợ các doanh nghiệp chế tạo Việt – Nhật cho rằng: “Khi doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam thì điểm khác biệt nhất là thủ tục, giấy tờ. Đôi lúc phía cơ quan quản lý của Việt Nam cho biết, hồ sơ của chúng tôi chưa đủ trong khi doanh nghiệp Nhật Bản không biết thiếu những gì. Do đó chúng tôi cần sự hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là về thủ tục đầu tư".
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn thừa nhận, thủ tục, cơ chế chính sách rườm rà là thực tế tại nhiều địa phương.
Ông Bùi Quang Vinh nói: "Các địa phương của Việt Nam rất tha thiết kêu gọi đầu tư song thủ tục thực hiện của cán bộ cấp dưới còn rất chậm và rất nhiều quy định rườm rà. Mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải thiện nhiều lĩnh vực để thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn".
Cùng với đổi mới và thuận lợi hóa cơ chế chính sách, theo các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển từ sản xuất gia công sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng lớn hơn nếu muốn đón dòng đầu tư không chỉ của Nhật Bản mà còn từ nhiều quốc gia khác.
Ông Yasuaki Tazinaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: "Tôi lạc quan về đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm tới. Nhật Bản muốn hướng tới một nền kinh tế tổng thể trong đó Việt nam và các quốc gia trong châu Á có quan hệ mật thiết với Nhật Bản. Sự thiếu hụt lao động của Nhật Bản sẽ được bù đắp bởi Việt Nam hoặc các nước khác trong khu vực".
Còn tại Nhật Bản, theo ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, hợp tác giữa các địa phương của hai nước đang phát triển mạnh mẽ trong đó, mỗi tỉnh của Nhật Bản lại có kinh nghiệm hay để chia sẻ với Việt Nam.
Đây là xu hướng tốt và có lợi cho Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Do đó, các địa phương của Việt Nam cần tận dụng tối đa xu hướng này để thu hút dòng vốn đầu tư tại Nhật Bản.