Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cân nhắc chia chính sách tài khoá và tiền tệ thành 3 giai đoạn

TTXVN-Chủ nhật, ngày 05/12/2021 14:09 GMT+7

VTV.vn - Cần sớm xây dựng và ban hành chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Đây là nhận định chung của các đại biểu, chuyên gia từ các điểm cầu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề: Phục hồi và phát triển bền vững do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 5/12.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế sẽ không thể sớm phục hồi và tăng tốc. Từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu hàng năm, 5 năm, 10 năm, làm suy yếu thành quả, nỗ lực của cả đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.

Thực tế, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với việc xuất hiện của các biến chủng mới, cũng như thực tế GDP quý III vừa qua giảm 6,17% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm có thể chỉ tăng khoảng 2% đang đặt thách thức lớn cho việc phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, dự địa mở rộng chính sách tài khoá còn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ, trên cơ sở thu ngân sách năm 2021 nhiều khả năng đạt 100% kế hoạch; thâm hụt ngân sách Nhà nước và nợ công được kiểm soát tốt giai đoạn trước; quy mô hỗ trợ tài khóa còn khá khiêm tốn, gần 3% GDP… Ngoài ra, dư địa các gói hỗ trợ khác như giảm tiền điện, cước viễn thông... hiện vẫn còn.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cân nhắc chia chính sách tài khoá và tiền tệ thành 3 giai đoạn - Ảnh 1.

Tiến Sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia trình bày tham luận. Ảnh: TTXVN

Riêng với chính sách tiền tệ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, dư địa hạ lãi suất và tăng trưởng tín dụng tuy không nhiều nhưng còn, trên cơ sở lãi suất ở mức thấp trong vòng 20 năm và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

"Gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế cần bảo đảm phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hoà với các chính sách khác, đảm bảo hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu. Với dự kiến được thực hiện trong 2 năm 2022-2023, chúng ta có thể cân nhắc chia gói này thành 3 giai đoạn", Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất.

Theo đó, giai đoạn 1 sẽ chuẩn bị kích hoạt chương trình và mở cửa nền kinh tế, phục hồi rõ nét hơn (hết quý II/2022); giai đoạn 2 sẽ tập trung tạo lập nền tảng, phục hồi nhanh và tăng tốc (đến hết quý III/2023); và kết thúc chương trình và bước sang quỹ đạo mới (từ quý IV/2023).

Về phía ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) cũng cho rằng, điều quan trọng đối với ban hành chính sách là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cân nhắc chia chính sách tài khoá và tiền tệ thành 3 giai đoạn - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam trình bày tham luận. Ảnh: PTTXVN

Hiện gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5-7% GDP. Trong khi dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo, trong ngắn hạn Việt Nam có thể chấp nhận mức bội cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên về dài hạn hơn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách Nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Đối với chính sách tiền tệ, theo TS. Cấn Văn Lực, chính sách hỗ trợ tiếp tục thực hiện Thông tư 14/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và có thể phải gia hạn, nếu cần. Đồng thời sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp, phấn đấu giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tiền có thể xem xét cho vay tái cấp vốn các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở, nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ..., với quy mô 65.000 tỷ đồng; giá trị cấp bù lãi suất chênh lệch ước tính là 6.100 tỷ đồng…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước