Điều chỉnh giá bán điện phải có lộ trình và đánh giá kỹ tác động

VGP News-Thứ năm, ngày 09/02/2023 21:12 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia kinh tế nên điêu chỉnh giá bán điện trong bố cảnh hiện nay. Tuy nhiên việc điều chỉnh phải có lộ trình phù hợp và đánh giá kỹ tác động. (Ảnh: VGP/Toàn Thắng)

VTV.vn - Việc điều chỉnh giá bán điện cần phải có lộ trình và tính toán kỹ tác động đến nền kinh tế, sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp.

Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của nền kinh tế thế giới và giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao cần phải xem xét điều chỉnh giá bán điện ở mức độ phù hợp, tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện cần phải có lộ trình và tính toán kỹ tác động đến nền kinh tế, sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Đây là nhìn nhận của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

Giá nhiên liệu sản xuất điện tăng cao, lỗ là điều khó tránh

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết năm 2022 và hiện nay tình hình kinh tế thế giới có rất nhiều biến động. Trước tác động của cuộc xung đột tại Ukraine và các yếu tố cung cầu trên thị trường, các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như than, xăng dầu hay khí đều tăng rất cao so với trước, dẫn đến giá điện của nhiều nước tăng khá cao.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, chi phí nhiên liệu mà chúng ta phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới đã làm cho chi phí phát điện, chiếm khoảng 80% trong giá điện, tăng.

Cụ thể, giá than thế giới năm 2022 tăng gấp 6 lần so với năm 2020 và tăng gấp khoảng 2,6 lần so với năm 2021.

Giá than nhập khẩu tăng đã làm cho chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy điện sử dụng than pha trộn giữa than nhập khẩu và than trong nước năm 2022 tăng khoảng 25% so với năm 2021, tức là khoảng từ 1.635 đồng/kWh lên 2.043 đồng/kWh.

Đối với giá dầu làm cơ sở để tính giá khí trong các nhà máy sử dụng nhiên liệu khí thì năm 2022 tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020 và tăng gấp 1,3 lần so với năm 2021.

Việc tăng giá này đã làm cho giá điện bình quân của các nhà máy turbine khí tăng khoảng 11,31% tức là từ khoảng 1.620 đồng/kWh lên 1.803 đồng kW/h.

Theo phân tích của ông Thỏa, chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng trong khi giá bán điện bình quân hiện hành vẫn giữ ổn định từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá hiện hành không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh. "Tình trạng này dẫn đến ngành điện gặp nhiều khó khăn và sản xuất kinh doanh điện lỗ là điều không thể tránh khỏi", Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Thỏa những con số lỗ là bao nhiêu, mấy chục nghìn tỷ đồng ấy có đúng hay không phải được các cơ quan có thẩm quyền xác minh, kiểm tra, kết luận một cách khách quan, công bố công khai, minh bạch nhằm tạo ra sự chia sẻ, đồng thuận của người tiêu dùng và trong toàn xã hội.

Với chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế tăng cao như hiện nay, ông Thỏa cho rằng cần điều chỉnh giá bán điện lên ở mức độ phù hợp, nếu không, ngành điện sẽ không cân đối được dòng tiền. Bởi khi dòng tiền âm thì sẽ không có tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện.

Điều chỉnh giá bán điện cần có lộ trình và đánh giá kỹ tác động

Điều chỉnh giá bán điện phải có lộ trình và đánh giá kỹ tác động - Ảnh 1.

Cần vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa công suất nguồn phát từ thủy điện và các nguồn điện giá rẻ để góp phần hạ giá bán điện. (Ảnh: VGP)

Theo vị chuyên gia này, điều chỉnh giá bán điện ở mức nào là câu hỏi khó và cần được tính toán kỹ lưỡng. Nếu thực hiện ngay và thực hiện đúng nguyên tắc của Luật Giá mà giá phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh cho ngành điện thì mức điều chỉnh giá điện phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện tại.

Tuy nhiên, mức điều chỉnh này có thể có những tác động khá mạnh, bởi vì mức điều chỉnh giá điện là 15% có thể sẽ đẩy lạm phát trực tiếp ở vòng 1 tăng 0,15% chưa kể đến tác động đến vòng 2 và tác động đến các ngành, nhất là những ngành sử dụng nhiều điện (ví dụ, đẩy giá thành sản xuất thép tăng 0,9% hay giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 2,25% của dệt may tăng khoảng 1,95%).

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, để giảm thiểu tác động đến đời sống sản xuất, lạm phát cũng có thể chia lộ trình điều chỉnh giá bán điện làm 2 đợt, mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng từ 7 - 8%.

Tính toán của chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho thấy với mức điều chỉnh này, chỉ đẩy lạm phát vòng 1 của đợt 1 tăng khoảng 0,2%. Từ đó, ông Thỏa nhấn mạnh chúng ta cần tính toán, theo dõi nếu những tháng cuối năm tình hình kinh tế thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thì có thể xem xét điều chỉnh giá đợt 2.

Việc kiến nghị, điều chỉnh 1 đợt hay 2 đợt, điều chỉnh ngay hay chia bước theo ông Thỏa, cả 2 cách tính toán này đều tuân thủ đúng theo Quyết định định 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, quy định EVN được điều chỉnh giá 6 tháng/lần nếu các thông số đầu vào của giá điện tăng 3% trở lên so với giá bán hiện hành. Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh giá khi giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành khoảng 10% trở lên.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng với chi phí của ngành điện tăng như vậy thì có thể cân nhắc điều chỉnh, cũng có thể điều chỉnh ngay nhưng phải có các biện pháp quyết liệt để hạn chế tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện.

"Tôi cho rằng trong hoàn cảnh mà yếu tố khách quan tác động vào giá điện như đã nêu thì chắc chắn chúng ta phải điều chỉnh giá điện. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này thì dòng tiền của ngành điện sẽ bị âm và tác động đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng, tác động tới việc thu hút đầu tư vào phát điện, truyền tải, phân phối điện. Điều này sẽ ảnh hưởng không thuận trong việc chúng ta đang tiếp tục phải bảo đảm nhu cầu tăng trưởng tiêu dùng điện tăng cao như hiện nay", ông Thỏa phân tích.

Khuyến nghị các biện pháp khi điều chỉnh giá bán điện

Theo ông Thỏa, muốn hay không chúng ta vẫn phải đối mặt với việc điều chỉnh giá điện. "Quan trọng là chúng ta phải đồng thuận và chia sẻ với những khó khăn đó để có giải pháp thích ứng một cách tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực mà nó gây ra", Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nêu quan điểm.

Trước hết về phía Nhà nước, cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nói chung, sản xuất kinh doanh điện nói riêng và cho thu hút đầu tư phát triển ngành điện.

"Có thể phải xem xét xử lý các chính sách tình huống mang tính đặc biệt, mang tính đặc thù có thời hạn nhất định cho sản xuất và đầu tư đối với ngành điện", ông Thỏa kiến nghị.

Đồng thời cũng cần có giải pháp tổng thể để kiểm soát, bình ổn mặt bằng giá, ngăn ngừa tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế, của các loại hàng hóa dịch vụ khác có sử dụng điện, tránh lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy mặt bằng giá lên, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Về phía ngành điện, vẫn phải tiếp tục thực hiện ngay và có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm chi phí thông qua các biện pháp như nâng cao hiệu lực, năng lực quản trị, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm các chi phí thường xuyên.

Hiện nay, ngành điện đang thực hiện tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên. Giải pháp này cần phải được tiếp tục thực hiện quyết liệt. Cùng với đó cần tổ chức vận hành tối ưu hệ thống điện để phát huy tối đa nguồn thủy điện và các nguồn chi phí thấp, góp phần giảm được giá thành điện.

Đối với người tiêu dùng điện, vẫn phải áp dụng quyết liệt các giải pháp tiết kiệm tiêu dùng điện. Ngoài việc chúng ta phải chấp nhận điều chỉnh giá điện ở mức nào, dù có điều chỉnh thấp hay điều chỉnh cao vẫn phải thực hiện giải pháp tiết kiệm trong tiêu dùng điện, thực hiện các chương trình tiết kiệm điện của Chính phủ. Các bộ, các ngành cũng phải có chương trình, giải pháp tiết kiệm tiêu dùng điện.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng phải có phương án, giải pháp nhằm tiết giảm chi phí và giá thành sản phẩm. Qua đó, những sản phẩm của doanh nghiệp thích ứng và cạnh tranh được với thị trường trong điều kiện giá đầu vào, giá điện có tác động làm cho giá thành tăng lên.

Bộ Công Thương nói gì về việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân? Bộ Công Thương nói gì về việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân?

VTV.vn - Từ ngày 3/2, khung giá bán lẻ điện bình quân thay đổi với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng và tối đa là 2.444,09 đồng một kWh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước