Nếu đề án Mobile Money của Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng chính phủ được xem xét, chấp thuận thì hàng triệu thuê bao di động sẽ đứng trước cơ hội dễ dàng thanh toán, chuyển khoản các giao dịch với giá trị nhỏ, mà không cần tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có dự thảo cho phép các ngân hàng có thể mở tài khoản cho khách hàng qua định danh điện tử (EKYC) nhằm giúp người dân dù ở bất cứ đâu cũng có thể mở tài khoản và tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Thực tế này được dự báo sẽ mở ra cuộc đua chiếm lĩnh khách hàng giữa các nhà mạng và các ngân hàng thương mại. Đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Không dừng ở việc dễ dàng tiếp cận khách hàng, việc triển khai định danh điện tử EKYC còn giúp xóa bỏ các rào cản về chi nhánh vật lý. Nhờ đó, các ngân hàng có thể mở rộng được tệp khách hàng ở những địa phương lâu nay chưa được đầu tư về cơ sở vật chất và con người.
Việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại những khu vực vùng sâu vùng xa, nông thôn tới đây sẽ thuận lợi hơn khi đề án Mobile Money được phê duyệt, giúp gần 130 triệu thuê bao di động có thể chuyển tiền cho nhau hay thực hiện các giao dịch mua bán thông qua tài khoản điện thoại của mình ở bất cứ đâu có phủ sóng viễn thông.
Tiện lợi nhưng phải bảo mật là thách thức mà các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cần giải quyết để có được niềm tin của người dùng. Công nghệ sẽ giúp giải bài toán này.
Ngoài ra trong giai đoạn đầu triển khai, các nhà cung cấp cũng có nhiều biện pháp khác để kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn cho cả người dung và hệ thống, như đặt ra các hạn mức trong giao dịch. Mobile Money (tiền di động) hay định danh điện tử (EKYC) đều là các dịch vụ nằm trong hệ sinh thái tài chính và ngân hàng. Vì vậy điều quan trọng là tạo sự đồng bộ nhằm thúc đẩy người dùng, qua đó đạt được mục tiêu xa hơn là tạo dựng được nền kinh tế phi tiền mặt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!