Định danh thương mại điện tử để chống gian lận

VTV Digital-Thứ năm, ngày 05/12/2024 06:44 GMT+7

VTV.vn - Thương mại điện tử Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2024 đạt quy mô gần 230.000 tỷ đồng, tăng 38%. Nước ta có thị trường trực tuyến tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới.

Đây là những chỉ số ấn tượng cho thấy, Việt Nam có thị trường trực tuyến tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới. Mặc dù vậy, bất cứ sự bùng nổ nào cũng sẽ đi cùng với các mặt trái; mạo danh, lừa đảo, gian lận là những vấn đề đã và đang xảy ra. Vì thế, quy định mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia thương mại điện tử phải được định danh điện tử tại Công điện 119 của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ khắc phục các vấn đề này.

Theo số liệu từ Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương, chỉ tính 9 tháng đầu năm nay cơ quan này đã xử lý hơn 2.014 vụ vi phạm, gian lận với tổng giá trị hàng hóa vi phạm là gần 30 tỷ đồng. Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, tỷ lệ khiếu nại liên quan tới thương mại điện tử chiếm tới 9,4% cao gần gấp đôi so với năm 2023. Một tỷ lệ rất cao những có lẽ sẽ chưa đầy đủ khi mà nhiều giao dịch thương mại điện tử có giá trị nhỏ và khi gặp sự cố, nhiều người đã chọn bỏ qua mà không khiếu nại. Cũng có nhiều người nghĩ rằng, sẽ thật khó để tìm được kẻ lừa đảo nên khi gặp tình huống đành ngậm ngùi chấp nhận.

Cảnh giác chiêu trò mạo danh để lừa đảo trong mua sắm trực tuyến

Định danh thương mại điện tử để chống gian lận - Ảnh 1.

Thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử sẽ hạn chế được các vụ việc lừa đảo trực tuyến trong thời gian tới.

Là người thường xuyên mua sắm trực tuyến, những cuộc điện thoại của người giao hàng hay còn gọi shipper đã không còn xa lạ với bạn trẻ này. Nên khi nhận được một cuộc gọi từ số lạ xưng là shipper, nói chính xác thông tin đơn hàng, lại còn báo sẽ gửi hàng tại quán nước đối diện công ty - nơi bạn thường xuyên nhờ nhận đồ hộ, bạn trẻ này đã tin tưởng và chuyển khoản 500.000đ cho người này để thanh toán. Nhưng 30 phút sau, bạn lại nhận được cuộc gọi từ shipper quen để giao hàng. Lúc này, nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn.

"Đối tượng lừa đảo đấy nói cho mình rất chính xác tất cả những thông tin bao gồm từ loại sản phẩm mình đặt hàng, mã đơn hàng và kể cả là số tiền chính xác đến từng số lẻ. Cho nên tại thời điểm mà mình chuyển khoản mình sẽ không có một chút cảnh giác nào cả", nạn nhân cho biết.

Tinh vi hơn, những kẻ lừa đảo còn kịp "thay áo mới" giăng bẫy nạn nhân bằng một kịch bản khó lường hơn. Chúng tự xưng là shipper, yêu cầu nạn nhân chuyển khoản ngay phí ship chỉ vỏn vẹn 30.000đ - 40.000đ. Chưa hết, nhiều đối tượng thậm chí còn sẵn sàng mạo danh những người nổi tiếng, tạo kênh, chạy quảng cáo để tiếp tục chuỗi hành vi lừa đảo, gian lận.

"Đặc biệt trong những ngày sale thì các đối tượng này sử dụng hình ảnh, cũng như thương hiệu để chạy quảng cáo trên những Fanpage Facebook mới lập khiến ảnh hưởng rất nhiều tới danh dự, hình ảnh của Schannel cũng như là các cá nhân", ông Nguyễn Lạc Huy, Quản lý hệ thống kênh Schannel, phụ trách truyền thông CellphoneS cho hay.

Tự đặt tên mình là CellphoneS, Digibox, một doanh nghiệp bất kỳ. Rồi có thể mang một chiếc mặt nạ ẩn danh. Nhiều người nghĩ rằng không gian mạng là nơi họ có thể thoải mái với bất cứ chiêu trò gì mà họ muốn để thu lợi.

Theo Công điện 119, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn thương mại điện tử. Đảm bảo rằng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận. Những kẻ ẩn danh này sẽ phải bước ra ánh sáng.

Định danh - Minh bạch thương mại điện tử để chống gian lận

Định danh thương mại điện tử để chống gian lận - Ảnh 2.

Việc xác thực danh tính sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, cạnh tranh lành mạnh hơn.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam - Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An cho hay: "Khi chúng ta tiến hành xác thực những tài khoản đó, thì ít nhất cơ quan công an cũng sẽ xác minh được tài khoản thực sự đứng sau tài khoản đấy là đăng ký dưới tên của những cá nhân nào, và sẽ có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ cho cơ quan công an trong quá trình điều tra xác minh những tài khoản này".

Theo các chuyên gia, việc xác thực danh tính sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, cạnh tranh lành mạnh hơn và giúp người bán hàng có thể an tâm đầu tư, kinh doanh trong khi người mua hàng được đảm bảo quyền lợi của mình.

"Thứ nhất là bảo vệ quyền lợi cho cả người bán lẫn người mua bởi khi việc định danh được làm một cách chặt chẽ thì người bán cũng yên tâm hơn khi chuyển hàng đến cho người mua, đồng thời người mua cũng sẽ biết nguồn gốc hàng như thế nào, những quyền lợi của mình sẽ được đảm bảo ra sao", ông Hoàng Tùng, Sáng lập Pizza Home chia sẻ.

Bà Mai Thị Thanh Oanh - Phó Tổng giám đốc nền tảng Cốc Cốc cho biết: "Theo đó người dùng sẽ phải có trách nhiệm hơn, sẽ tránh được những tin giả mạo, tin sai sự thật và hạn chế được những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng".

Một câu hỏi được đặt ra là liệu việc định danh trên thương mại điện tử có khả thi không? Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Việt Nam hiện có hơn 61 triệu người dùng, tức là cứ 5 người thì có 3 người đã tham gia mua bán trên thương mại điện tử. Để xác thực 61 triệu người này có vẻ sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng vào thời điểm hiện tại, công nghệ hoàn toàn có thể giải sớm bài toán này.

Công nghệ giải bài toán định danh thương mại điện tử

Định danh thương mại điện tử để chống gian lận - Ảnh 3.

Mọi hoạt động giao dịch, mua bán sẽ đạt mức độ tin cậy cao hơn trên thị trường thương mại điện tử khi đã được định danh.

Trên thực tế, gần như 100% người dân đã được cấp căn cước công dân gắn chip hoặc mã số định danh cá nhân. Vì vậy, việc xác thực cơ bản là đồng bộ tài khoản với các dữ liệu này. Việc định tài khoản thanh toán, ngân hàng - thứ gắn liền với hoạt động thương mại điện tử cũng đã được triển khai thành công.

"Tôi nghĩ về mặt công nghệ thì không phải vấn đề khó vì các dịch vụ tương tự đã được thực hiện rồi. Chủ yếu ở đây là người ta có e dè việc cung cấp các thông tin, các giao dịch mua bán. Đặc biệt một số dịch vụ mang tính chất riêng tư thì có thể một số người mua bán người ta cũng không muốn cung cấp thông tin. Cơ bản về mặt kỹ thuật những việc định danh đấy không phải là khó khăn", ông Nguyễn Minh Đức - Chuyên gia an ninh mạng, Công ty Cổ phần Cyradar cho hay.

Ông Nguyễn Bình Minh - Uỷ viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: "Nền tảng công nghệ của chúng ta hiện nay đã theo kịp với sự phát triển của thương mại điện tử, giúp cho việc cải thiện các hoạt động giao dịch mang tính an toàn hơn, tín nhiệm cao hơn. Chính vì vậy nó sẽ thúc đẩy người ta tin tưởng vào thương mại điện tử và tiếp tục mua sắm ở trong nền kinh tế số của chúng ta".

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đầu năm nay đạt gần 40% và liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm. Theo Nghị định 147 của Chính phủ, để giao tiếp trên các mạng xã hội người dùng phải định danh. Bạn sẽ phải hiểu rõ mình là ai và vì thế sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình trên internet. Mọi hoạt động giao dịch, mua bán sẽ đạt mức độ tin cậy cao hơn, thị trường thương mại điện tử vì sẽ thế sẽ không chỉ tăng trưởng về lượng mà sẽ còn có những bước đột phá về chất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước